Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc

Đỗ Trường
Đỗ Trường
10/12/2024 15:00 GMT+7

Vườn cao su độc đáo tại Bình Dương có hơn 1.300 cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc. Nơi đây lưu giữ di tích lịch sử và hiện vật về cuộc sống 'phu công tra' trong đồn điền cao su Michelin.

Vườn cao su này hiện được bảo tồn ở xã Định Hiệp (H.Dầu Tiếng, Bình Dương), có diện tích trên 6 ha với hơn 1.300 cây cao su cổ thụ, trước đây được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng quản lý, thuộc nông trường cao su Trần Văn Lưu.

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 1.

Khu vườn cao su hơn trăm năm tuổi

ẢNH ĐỖ TRƯỜNG

Khởi nguồn câu "cao su đi dễ khó về"

Năm 2009, vườn cao su thời Pháp thuộc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2010, tại vườn cao su được đầu tư xây dựng thêm nhà truyền thống, trưng bày nhiều hiện vật trong lao động, sản xuất và đời sống hằng ngày của những người phu công tra (công nhân cao su). Vườn cao su hiện được giao cho Ban Quản lý di tích danh thắng H.Dầu Tiếng (trực thuộc UBND H.Dầu Tiếng) quản lý.

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 2.

Nhà truyền thống Vườn cao su thời Pháp thuộc

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Theo tài liệu lưu trữ tại khu nhà truyền thống của Vườn cao su thời Pháp thuộc, khoảng năm 1917, hãng vỏ lốp xe nổi tiếng Michelin đã đến H.Dầu Tiếng hiện nay (tài liệu lịch sử ghi chép lại thời điểm đó H.Dầu Tiếng thuộc phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định) lập đồn điền trồng cao su lấy mủ để sản xuất vỏ, ruột xe các loại.

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 3.

Căn nhà được các chủ đồn điền Michelin xây dựng những năm 1925 - 1935 bằng đá tự nhiên khai thác từ núi Cậu (H.Dầu Tiếng) cho một số hộ phu công tra ở

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Để có được công nhân làm trong các đồn điền, các ông chủ người Pháp đã thuê người từ miền Bắc và miền Trung vào làm hợp đồng cho đồn điền nên những người công nhân này được gọi là công tra (contrat trong tiếng Pháp là hợp đồng).

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 4.

Tái hiện những phu công tra làm việc cho đồn điền cao su Micheline trong vườn cao su thời Pháp thuộc

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Dưới chế độ cai trị và quản lý hà khắc của các chủ đồn điền, người công nhân cao su bị bóc lột, vắt kiệt sức lao động nên mới gọi là "phu công tra" và để lại câu nói "Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bủng beo".

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 5.

Thẻ công tra và vật dụng của phu công tra còn lưu giữ tại Nhà truyền thống vườn cao su thời Pháp thuộc

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Điểm check-in thu hút giới trẻ

Theo tài liệu của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, năm 2017, Công ty Michelin đã lập một đồn điền (ở H.Dầu Tiếng ngày nay), có diện tích ban đầu trên 7.000 ha. Trong khoảng từ năm 1917 đến 1951 đã có trên 45.000 phu công tra làm việc cho đồn điền này; có trên 11.300 người chết, bỏ trốn, hết hạn hợp đồng và đi theo cách mạng - kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 6.

Căn nhà được chủ đồn điền xây dựng vào khoảng năm 1925 - 1935 bằng gạch nung ở Bến Cát và Thủ Dầu Một; ngói lợp được mang từ Pháp sang; nhà dành cho tầng lớp cai, ký, thầy thuốc... của đồn điền

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Phong trào công nhân cao su đình, bãi công chống chế độ cai trị hà khắc của các chủ đồn điền cũng được khởi xướng từ đồn điền này. Cao điểm đến năm 1930, phong trào bãi công nổ ra với quy mô lớn của công nhân cao su Dầu Tiếng đã hòa chung với các cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân trong cả nước.

Khám phá vườn cao su độc đáo nhất Bình Dương được trồng từ thời Pháp thuộc- Ảnh 7.

Phu công tra được tái hiện trong vườn cao su

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Cũng trong năm 1930, Thành ủy Sài Gòn lúc bấy giờ đã cử ông Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết về Dầu Tiếng để chọn "hạt giống đỏ" xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo phong trào, tiến tới thành lập chi bộ Đảng tại đây.

Hiện tại, khu vườn cao su được xếp vào hạng di tích danh thắng do H.Dầu Tiếng quản lý. Mỗi dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, tết..., nơi đây thu hút khá nhiều người dân từ các nơi về tham quan, chụp ảnh, đặc biệt là vào mùa thay lá, với khung cảnh tuyệt đẹp đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ về check-in.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.