Đến trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhiều người không khỏi bất ngờ trước những "xóm chài" tạm bợ bên những khu phố sầm uất trên đất liền. Những xóm chài này không được chính quyền địa phương thừa nhận, không tổ dân, khu phố, nhiều người sống du mục nên không đăng kí tạm trú tạm vắng.
Bà Nguyễn Thị Trúc, 80 tuổi, một ngư dân tại xóm chài, cho biết hàng chục năm nay tại khu vực núi đá phường Hồng Hà, Hồng Hải, thành phố Hạ Long, hàng trăm tàu, thuyền từ các nơi đổ về đây hình thành nên những xóm chài. Sở dĩ ngư dân chọn nơi này để ngụ cư là vì kín gió, lại nằm cạnh trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc buôn bán.
Cuộc sống của ngư dân bao đời nay từ thế này sang thế khách gắn chặt với tàu thuyền. Họ ăn ở, sinh hoạt ngay trên tàu nên xả rác, đổ thải xuống biển, khiến môi trường ven bờ vịnh Hạ Long luôn trong tình trạng ô nhiễm. Do điều kiện sinh hoạt tạm bợ, nên vào những ngày mưa bão, chính quyền địa phương phải kêu gọi ngư dân lên bờ tránh trú. Đã không ít lần, ngư dân gặp giông lốc đánh chìm tàu, thiệt hại người và tài sản.
Một điều đáng buồn là hiện nay, nhiều trẻ em xóm chài không được đến trường hoặc bỏ ngang, một phần vì bố mẹ thường xuyên đi đánh bắt xa bờ không có người chăm sóc, phần vì điều kiện khó khăn.
Với mong muốn giúp cho ngư dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, vào năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi gần 400 hộ dân lên bờ sinh sống, xây nhà, tạo công ăn việc làm, thế nhưng, nhiều ngư dân không mặn mà với chủ trương này do thói quen sinh sống, vẫn bám chặt lấy tàu thuyền sinh sống lênh đênh trên biển
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, cho biết trên địa bàn có khoảng 29 hộ với gần 100 nhân khẩu là có tạm trú tạm vắng, số còn lại là người dân sống lênh đênh trên biển, nay đây mai đó. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, các hộ trên hầu hết là người dân tứ xứ, chủ yếu đến từ Quảng Yên, Thanh Hoá, Nam Định."Trước đây, người dân "xóm chài" chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nhưng những năm gần đây, do tình trạng đánh bắt tận diệt, nguồn lợi hải sản trên vịnh Hạ Long không còn nhiều, ngư dân phải lên bờ tìm việc, làm thuê. Đàn ông làm thợ xây, bốc vác, còn phụ nữ thì buôn bán hải sản nhỏ lẻ ven bờ", ông Nguyễn Đình Nam cho biết..
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết thêm những hộ dân sống tại những làng chài được chính quyền thừa nhận như: Cửa Vạn, Vung Viêng đều được cấp đất, nhà, tạo điện kiện cho con em đến trường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề... Tuy nhiên trên vịnh Hạ Long vẫn còn hàng trăm hộ dân sống du mục với điều kiện sống tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Việc quản lý các hộ dân này là hết sức khó khăn bởi họ sống nay đây mai đó.
Cuộc sống của ngư dân trên vịnh Hạ Long tạm bợ nhưng lại là điểm đến khám phá quen thuộc đối với du khách khi đến nơi đây. Ai cũng muốn một lần được khám phá cuộc sống thú vị của ngư dân trên vùng vịnh xinh đẹp này
|
Bình luận (0)