Mai một kỹ thuật
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đã nhiều năm gắn bó với các di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, bà thấy rõ việc cần làm hồ sơ UNESCO di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp đối với nghề tranh Đông Hồ. Bộ VH-TT-DL cũng đã có văn bản về việc thực hiện hồ sơ này. Theo đó, Sở VH-TT-DL Bắc Ninh và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia thực hiện hồ sơ này trước khi trình lên các cấp cao hơn.
“Đã có điều tra khảo sát cho thấy tranh Đông Hồ cần bảo vệ khẩn cấp vì kỹ thuật truyền thống bị mai một nhiều. Mặc dù bây giờ vẫn có người làm nhưng họ làm tranh chợ thôi. Còn những nghệ nhân đã mất nhiều. Việc này còn khẩn cấp vì lớp trẻ giờ không muốn học và nếu thế thì tranh Đông Hồ có thể chết nhanh nếu không có chính sách”, bà Lý nói. Cũng theo bà Lý, nhiều kỹ thuật truyền thống đã đi theo nghệ nhân đã mất. Các gia đình còn lại tuy tiếp tục sản xuất tranh nhưng cũng theo kiểu để làm hàng hóa du lịch, chứ không phải giữ được hoàn toàn kỹ thuật truyền thống xưa.
|
Đương đại hóa
PGS-TS Trang Thanh Hiền, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cho biết để “giải cứu” nghề tranh Đông Hồ, việc thúc đẩy giáo dục về dòng tranh này rất quan trọng. Về cơ bản, các kế hoạch nên chú trọng vào giáo dục để nuôi dưỡng lớp công chúng tương lai. “Nếu làm giáo dục thì dân biết, dân hiểu, dân yêu thích. Như thế tranh Đông Hồ còn có thể phổ cập cả nước”, bà Hiền nói.
TS Lê Thị Minh Lý lại cho rằng điều quan trọng là để tranh Đông Hồ lan tỏa trong đời sống. “Mình phải nghiên cứu để gia tăng giá trị của tranh lên bằng cách đưa vào các sản phẩm mới. Vấn đề của tranh Đông Hồ không phải in tranh Đông Hồ lợn gà đó ra để treo mà phải từ kỹ thuật đó thiết kế, làm ra các thiết kế mới đưa nó vào đời sống hiện đại. Như thế người ta mới giữ”, bà Lý nói.
Về điều này, bà Trịnh Thu Trang, giảng viên Khoa Thiết kế, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết tranh Đông Hồ hoàn toàn có thể sử dụng trong các thiết kế hiện đại. “Nhìn chung, các dòng tranh truyền thống đều có những hoa văn có thể sử dụng được. Tranh Đông Hồ cũng không nằm ngoài điều đó. Đấy là một tiềm năng có thể sử dụng để đưa vào thiết kế các loại từ trang phục đến đồ dùng trong gia đình… Bản thân tôi và nhóm S.River cũng đang có ý định sưu tập các họa tiết tranh Đông Hồ sau đó tổ chức thành sách, để các hoa văn này có thể trở thành nguyên liệu cho các đồ dùng”, bà Trang nói.
Bình luận (0)