Ngày 26.7, tại Huế, Viện Sân khấu - Điện ảnh phối hợp với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức hội thảo nghệ thuật tuồng trong đời sống văn hóa hiện nay nhằm tìm cách "cứu tuồng", hình thức nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của dân tộc.
|
Thực trạng buồn
Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nhận định: Thiếu vắng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ là thực trạng chung của các nhà hát tuồng hiện nay. “Qua rồi cái thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng của Má ơi đừng đánh con đau/Để con hát bội làm đào má nghe” hay Tháng ba ngày tám nằm suông/Nghe giục trống tuồng cố lết đi xem”, GS Chương nói.
Đạo diễn Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình (NTTTCĐ) Huế, đưa ra một dẫn chứng buồn về nỗ lực phát huy tuồng nhưng không thành công: “Trong những năm qua, Nhà hát NTTTCĐ Huế đã tổ chức biểu diễn Nhã nhạc, Ca múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường và phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế. Nhà hát cũng đã nỗ lực đưa các trích đoạn tuồng cổ vào các suất diễn Nhã nhạc và Ca múa cung đình. Tuy nhiên, vẫn không được khách du lịch chấp nhận, lý do là thời lượng khách xem chương trình biểu diễn chỉ 30 phút, nên khách không có thời gian xem tuồng”.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát T.Ư, cho biết: "Nhà hát đã dàn dựng nhiều vở kịch được đồng nghiệp đánh giá cao. Thế nhưng, lượng khán giả đến xem cũng chẳng đáng là bao, khán giả trẻ thì thờ ơ, khán giả lớn cũng thưa vắng. Vì vậy, những buổi diễn tuồng dù là giấy mời hay mở cửa tự do vẫn ít khán giả”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay nhiều nghệ sĩ đã không còn mặn mà với sân khấu tuồng. Nguyên nhân không chỉ vì thiếu vắng khán giả, không có đất diễn, mà quan trọng là chế độ lương, phụ cấp quá thấp. Các nhà hát tuồng không thể bán vé để tự thu tự chi, mà phải sống “thoi thóp” bằng chế độ bao cấp của nhà nước. Thực tế, các nghệ sĩ tuồng được phong tặng NSƯT, NSND có nhiều cống hiến, thành tích nghệ thuật vẫn là diễn viên hạng ba (lương khởi điểm bậc 2/12, hệ số 2.06). Nghệ sĩ tuồng rất khó bám trụ với nghề. Nhiều nghệ sĩ tỏ ra chán nản, không hăng say, thậm chí bỏ nghề. “Vẫn biết làm nghệ thuật là phải cống hiến, phải hy sinh nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn thường hay nói, có thực mới vực được đạo, khi mà đời sống các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn buộc lòng một số diễn viên trẻ phải bỏ nghề, mặc dù họ rất yêu nghề”, ông Tuấn nói.
Cứu bằng cách nào ?
Hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng nghệ thuật tuồng là quốc hồn quốc phả của dân tộc nên không thể nói muốn tuồng sống thì nghệ sĩ phải chạy theo thương mại, sống bằng doanh thu, phải tìm khán giả... Cũng như kịch Noh và Kabuki (Nhật Bản), kinh kịch (Trung Quốc), tuồng là di sản văn hóa vô giá của VN nên phải có chính sách bảo tồn và nhà nước phải làm việc này.
Giáo sư Hoàng Chương cho rằng nói tuồng hay, tuồng quý là phải làm cho người ta biết nó hay, nó quý ở chỗ nào, như người Nhật đối xử với kịch Noh và Kabuki, người Trung Quốc đối với kinh kịch. Nghệ thuật tuồng sẽ sống mãi trong mọi thời đại nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy đúng.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho rằng để bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng, có 8 giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc Bộ VH-TT-DL phải phối hợp với các ủy ban quốc gia đưa việc bảo tồn nghệ thuật tuồng và những hình thức nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản cần bảo vệ khẩn cấp thành mục tiêu quốc gia. Từ đó, mới thực hiện tiếp các giải pháp như quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn, chỉnh sửa nghị định về chế độ nhuận bút và chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ tuồng, lập một kênh truyền hình riêng để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống và tạo nên một lớp khán giả mới trong thời kỳ bùng nổ thông tin; Có chính sách đào tạo đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, tổ chức liên hoan sân khấu tuồng định kỳ 2 năm một lần và quan tâm cả tới hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên...
Cũng như kịch Noh và Kabuki (Nhật Bản), kinh kịch (Trung Quốc), tuồng là di sản văn hóa vô giá của VN nên phải có chính sách bảo tồn và nhà nước phải làm việc này |
Bùi Ngọc Long - Tuyết Khoa
Bình luận (0)