Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ lợn ở các địa bàn có dịch. Các chốt chặn dọc theo các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... sẽ được lập để ngăn dịch dịch tả lợn châu Phi lan vào các tỉnh phía nam.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói về giải pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi
|
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đã có thêm Nghệ An và Lạng Sơn ghi nhận các ổ dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 14.3, các ổ dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 221 xã ở 17 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An với tổng số lợn bệnh buộc phải tiêu hủy là 23.442 con.
Kiểm soát lỏng lẻo
tin liên quan
Dịch tả lợn châu Phi lan đến Nghệ AnVề các nguyên nhân lây lan dịch, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết điều tra thực tế ở 44 ổ dịch tại các địa phương cho thấy, 38% nguyên nhân do người dân vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh; 25% nguyên nhân từ vi rút lưu hành trên phương tiện vận chuyển, con người và 39% nguyên nhân lây lan do người chăn nuôi sử dụng thức ăn dư thừa từ các bếp ăn tập thể, không qua xử lý nhiệt, tập trung ở các ổ dịch tại: Hà Nội, Thái Bình và Thái Nguyên. Ông Đông nhấn mạnh, kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và thịt lợn trong vùng có dịch là trách nhiệm của lực lượng thú y và lãnh đạo chính quyền các cấp nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều lỏng lẻo.
Ông Đông dẫn chứng, ở Thái Bình - địa phương đã có 86 ổ dịch với trên 10.700 con lợn bị tiêu hủy - ngay tại ổ dịch vẫn còn tồn tại những bất cập; các chốt kiểm dịch không kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật. “Một số đoàn công tác, trong đó có đoàn chuyên gia thú y của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), khi về khảo sát thực tế, vẫn phát hiện người dân trong thôn chở lợn sống bằng xe máy”, ông Đông nói.
Diệt mầm dịch từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo báo cáo từ địa phương, các ổ dịch tại: Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa đều phát sinh ở hộ chăn nuôi nhỏ trong khi các trang trại lớn vẫn an toàn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ổ dịch không nổ ra ở trại lớn, doanh nghiệp chăn nuôi vì đây là nơi “nội bất xuất ngoại bất nhập”; được kiểm soát chặt chẽ; buộc người ra vào tuân thủ điều kiện vệ sinh phòng bệnh nghiêm ngặt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, công tác phòng chống dịch hiện nay cần tập trung tối đa cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì gần như toàn bộ ổ dịch đều “nổ” ra ở đây. “Mục tiêu công tác chống dịch hiện nay là khoanh triệt ổ dịch, khống chế không để lây lan ổ dịch mới.
Dịch nổ ra ở đâu phải chặn trước ở đấy. Các địa phương ưu tiên tập trung xử lý môi trường ngay từ các hộ chăn nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng và cần làm đồng bộ ngay trong tháng này”, ông Cường đề nghị.
Nhấn mạnh quy định của luật Thú y và chỉ đạo mới đây của Thủ tướng “lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm khống chế được dịch bệnh.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Cường cho rằng với đặc tính lây lan nhanh, gây thiệt hại kinh tế rất lớn, vấn đề đáng lo nhất là dịch tả lợn châu Phi tràn vào phía nam, nơi có nhiều tỉnh trọng điểm về nuôi lợn. Về phía Bộ NN-PTNT, ông Cường cho biết Cục Thú y đã hỗ trợ các địa phương lập các chốt chặn kiểm soát các xe vận chuyển lợn, ngăn dịch tràn vào phía nam.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa có 4 chốt chặn tiền tiêu trên cả QL1A và đường mòn Hồ Chí Minh. Tuyến sau là các trạm đặt ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Bình.
Chiều 14.3, Tỉnh ủy Đồng Nai họp khẩn, bàn giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi. Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bày tỏ lo lắng khi dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, nguy cơ “dính” luôn cả phía nam, trong đó có Đồng Nai với đàn lợn lớn nhất nước (2,5 triệu con). “Nếu dịch vào Đồng Nai thì thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi”, ông Chánh nói.
Cũng theo ông Chánh, dù các ban ngành, địa phương thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch nhưng Đồng Nai vẫn lo lắng khi mỗi ngày, lợn được đưa từ bắc vào nam, qua địa phận Đồng Nai khá nhiều (từ 1.000 - 2.000 con/ngày); khả năng dịch bệnh lây lan rất cao.
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 6 (Bộ NN-PTNT), cảnh báo người chăn nuôi nhỏ lẻ không lấy thức ăn dư thừa ở các hàng quán để làm thức ăn cho lợn vì đây là nguồn lây lan dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, 46% nguy cơ phát sinh dịch bệnh do phương tiện vận chuyển vì không được tiêu độc, sát trùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên bình tĩnh, không quay lưng với thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người.
Hoàng Tuấn
|
Bình luận (0)