Đó là nội dung được đề ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 đã được Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 13.4 ở Hà Nội.
|
Nhiều nguy cơ
Tại hội nghị, ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, lo ngại: “Cúm A/H7N9 khó kiểm soát bởi chưa thể xác định được nguồn vi rút lây sang người. Với cúm H5N1 trên gia cầm có thể là chỉ điểm cho nguy cơ bùng phát dịch trên người nhưng với cúm A/H7N9 lại diễn biến khác: chỉ thấy ca bệnh trên người nhưng không thấy gia cầm ốm chết. Thậm chí nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 không tiếp xúc với gia cầm”.
|
Đặc biệt, vi rút cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, chim hoang. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá: “Trong nước nhiều đàn thủy cầm được nuôi thả đồng ăn chung với chim hoang làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút cúm từ chim hoang và làm mầm bệnh phát tán trên diện rộng”.
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển gia cầm lậu chưa được kiểm soát triệt để và ngày càng tinh vi. Trung Quốc đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên chim bồ câu, gà luôn là nguy cơ cận kề cho dịch xâm nhập. Trong khi đó, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, vừa cho biết trong 3 tháng đầu năm 2013 đã bắt giữ 18 vụ nhập lậu gia cầm giống, gia cầm giết thịt lên đến hơn 160.000 con. Chim bồ câu từ Trung Quốc vẫn được đưa vào qua biên giới với lượng lớn.
Bên cạnh đó, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Tiến Dũng cho rằng cần lưu ý kiểm soát mầm bệnh trên gà, vịt giống nhập lậu chứ không chỉ gà thải loại, gà đông lạnh nhập lậu từ biên giới phía bắc. Loại này chỉ 2.000 đồng/con, nhưng khi chuyển đến Hà Nội được mang thương hiệu vịt giống của các nơi uy tín có giá 8.000 đồng/con. Vì siêu lợi nhuận nên lượng lớn vịt giống nhập lậu được vận chuyển vào Hà Nội.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng thông báo có hai mẫu xét nghiệm thủy cầm (vịt) lấy tại An Giang và Đồng Tháp cho kết quả dương tính với phân típ cúm H7, tuy đã xác định không giống với vi rút cúm H7N9 đang gây dịch tại Trung Quốc nhưng cũng là yếu tố cảnh báo.
Lập đội đặc nhiệm
Hằng ngày, tại các cửa khẩu với Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai có hàng ngàn lượt người qua lại cũng là nguy cơ khiến vi rút cúm xâm nhập. Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 2.000 du khách từ vùng có dịch nhập cảnh vào VN qua Cửa khẩu quốc tế Nội Bài đòi hỏi công tác kiểm dịch y tế hết sức chặt chẽ.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN ông Takeshi Kasai, cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xác định các nguồn nguy cơ lây nhiễm cúm H7N9. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu 2 trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận các bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán cúm A/H7N9. Bộ Y tế Việt Nam và WHO sẽ thành lập đội đặc nhiệm phòng chống dịch chung và Trung tâm điều hành phòng chống dịch khẩn cấp.
Chiều 13.4, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có cuộc họp khẩn bàn về phòng cúm A/H7N9 với lãnh đạo các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng của 7 tỉnh có đường biên giới phía bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Các tỉnh đã thống nhất sẽ thiết lập đường dây nóng kịp thời thông báo diễn biến dịch trên gia cầm, chim cũng như thông tin về ca bệnh (nếu có).
Chưa khẳng định chim yến chết do dịch cúm Báo cáo về tình hình yến nuôi bị chết, Chi cục Thú y Ninh Thuận cho biết hiện trên địa bàn TP.Phan Rang-Tháp Chàm có 54 cơ sở nuôi yến. Qua khảo sát chỉ phát hiện cơ sở nuôi yến tại rạp Thanh Bình nằm trên đường Thống Nhất có hơn 4.000 con (chủ yếu là yến con từ 2- 3 tháng tuổi) bị chết từ cuối tháng 3 đến nay. Khi phát hiện, ngành chức năng đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút A/H5N1. Sau đó, tiếp tục giám sát lấy mẫu bệnh phẩm tại cơ sở này và một số nhà yến lân cận xét nghiệm thì cho kết quả âm tính. Mới đây, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã lấy 30 mẫu chim và 30 mẫu tổ tại cơ sở nuôi yến tại rạp Thanh Bình và 2 cơ sở nuôi lân cận đều cho kết quả âm tính với vi rút cúm A/H5N1. Theo nhận định ban đầu của cơ quan thú y, nguyên nhân yến chết là do thời tiết nắng nóng, tổng đàn ngôi nhà yến này tăng nhanh (hơn 100.000 con) trong không gian nhà chim rất hẹp và thiếu thức ăn. Giải thích về nguyên nhân các mẫu yến có nhiễm cúm A/H5N1, ông Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho rằng vi rút H5N1 luôn tồn tại trong môi trường ẩm thấp. Do những tác động về thời tiết khắc nghiệt, thiếu thức ăn làm một số chim yến non mất sức đề kháng nên bị vi rút H5N1 nhiễm vào. Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã hướng dẫn cơ sở nuôi yến thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh phòng dịch... tạo môi trường thông thoáng trong nhà yến nên đã giảm đáng kể, trong 3 ngày gần đây chỉ có 20 con bị chết. Sáng 13.4, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết qua theo dõi hơn 15 ngày sau khi có hiện tượng yến chết bất thường tại rạp Thanh Bình, đến nay cơ quan chức năng khẳng định yến chết không phải do dịch cúm gia cầm. Thiện Nhân |
Liên Châu - Minh Hoàng
>> Tăng cường đề phòng lây lan cúm A/H7N9 qua cửa khẩu
>> Kịch bản ứng phó với dịch cúm A/H7N9
>> Phác đồ điều trị cúm A/H7N9
>> Hà Nội đối phó nguy cơ dịch cúm A/H7N9
>> Phòng chống cúm A/H7N9: Kiểm tra thân nhiệt khách ở sân bay
>> Đặt máy đo thân nhiệt kiểm soát cúm A/H7N9 ở sân bay Tân Sơn Nhất
Bình luận (0)