* Giám sát du khách 24/24 tại cửa khẩu
* Có thể cách ly hành khách nhập cảnh từ 4 nước đang có dịch Ebola
Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế về phòng chống dịch Ebola.
|
Nguy cơ lây rất cao
Báo cáo với Thủ tướng về diễn biến dịch Ebola, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể lây lan ra các quốc gia khác. VN hiện chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola nhưng nguy cơ lây lan thông qua du khách, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.
Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Ebola là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm, việc xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh phải được tiến hành trong phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 4, nhân viên phòng xét nghiệm cần được tập huấn và được trang bị phòng hộ nghiêm ngặt. Trong khi đó, VN hiện chưa có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này. Bộ Y tế đang liên hệ và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) để có các hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm. Trước mắt, tại 2 phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM, các trang thiết bị có khả năng xét nghiệm bệnh.
Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan, tổ chức không cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch bệnh trong trường hợp không cần thiết; khuyến cáo người dân không đến vùng có dịch. Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước có dịch kịp thời thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, tình hình sức khỏe của công dân VN đang công tác, học tập, làm việc tại nước sở tại; xem xét việc rút các cán bộ đang làm việc tại 4 nước Tây Phi về nước. Trong trường hợp cần thiết, tiến hành cách ly hành khách nhập cảnh từ 4 nước đang có dịch Ebola và hạn chế đi lại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với các biện pháp triển khai phòng chống dịch của Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chủ động phòng chống dịch, ngăn chặn không để dịch xâm nhập, cần phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập (nếu có) và có các biện pháp hiệu quả ngăn chặn dịch lây lan khi có ca bệnh; phối hợp chặt chẽ với WHO để nắm chắc diễn biến tình hình, tính chất nguy hại của dịch bệnh; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh phải cập nhật kịp thời, song cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Vào cuối ngày hôm qua, Thủ tướng đã có công điện gửi UBND các tỉnh, TP, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola.
Giám sát du khách 24/24
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Sở) giám sát 24/24 đối với du khách nước ngoài qua máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất; 3 bệnh viện (BV) được giao nhiệm vụ chính tiếp nhận cách ly, điều trị là BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 chuẩn bị khu cách ly, phương tiện, thuốc men sẵn sàng ứng phó, chữa trị; các BV giám sát các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ để kịp thời có biện pháp xử trí...
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, khẳng định hiện có 4 máy giám sát thân nhiệt đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất và đều hoạt động rất tốt. “Chúng tôi giám sát 24/24, chú ý các chuyến bay có du khách đến từ vùng có dịch, khi phát hiện nghi ngờ, sẽ đưa du khách vào phòng cách ly để kiểm tra thêm. Từ 15.8, trung tâm sẽ cho triển khai thêm tờ khai y tế đối với các du khách đến từ vùng có dịch...”, bác sĩ Sáu nói.
|
Ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cho biết từ 7.8 cảng đã áp dụng việc khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola; phối hợp Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện kiểm tra qua máy đo thân nhiệt từ xa. Sân bay Nội Bài cũng sẽ thêm 1 máy đo thân nhiệt lên 3 máy để tăng cường ngăn ngừa dịch từ xa.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Ebola. Đặc biệt, hải quan, thú y tăng cường điều tra ngăn chặn và thực hiện thu giữ, xử lý nghiêm việc nhập lậu các loại động vật rừng nhiệt đới...
Vẫn có thể lây bệnh sau khi xuất viện
Chiều 9.8, Bộ Y tế ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Theo đó, thời gian ủ bệnh trung bình là 2 - 21 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn/buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Phát ban có thể diễn biến theo tình huống: ban đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng xuất huyết; đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho ra máu, chảy máu chân răng; đái ra máu; chảy máu âm đạo.
Theo phác đồ, bệnh nhân cần được điều trị hỗ trợ: hạ nhiệt, giảm đau, chống mất nước mất điện giải, cầm tiêu chảy; tránh dùng các thuốc làm tăng rối loạn đông máu gây trầm trọng xuất huyết, chảy máu; bệnh nhân cần được sử dụng thuốc chống co giật, chống nôn. truyền máu, lọc máu, hỗ trợ ECMO trong các trường hợp có chỉ định.
Vi rút Ebola có thể truyền qua sữa mẹ. Khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú.
Theo Bộ Y tế, vi rút Ebola tiếp tục được bài tiết qua tinh dịch và sữa mẹ. Vì vậy, cần tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh lây truyền sau khi xuất viện.
Ngừng đưa khách đến vùng dịch bệnh Ebola Thông tin Thái Lan phát hiện 21 du khách nghi nhiễm vi rút Ebola đang gây lo lắng cho nhiều du khách Việt. Đa số các công ty du lịch lớn cho biết đang có nhiều đoàn khách trong nước du lịch ở Thái Lan vì đây là mùa cao điểm. Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho hay hiện tại Vietravel chưa nhận bất cứ khuyến cáo nào về Ebola ở Thái Lan. “Sau khi có công văn đề nghị tạm dừng đưa khách đến vùng dịch bệnh của Tổng cục Du lịch, Vietravel đã hoàn toàn ngưng khai thác tour đi châu Phi. Hiện tại, để chăm sóc khách hàng của mình chu đáo, Vietravel đã làm việc với đối tác bảo hiểm mở rộng nội dung bảo hiểm liên quan tới Ebola”, bà Việt Hương, đại diện Vietravel cho biết. Các công ty du lịch khác cũng cho rằng nếu Thái Lan chính thức công bố có trường hợp nhiễm bệnh Ebola, họ sẵn sàng ngưng tour đi Thái dù sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Trao đổi với Thanh Niên chiều 9.8, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Toàn bộ hệ thống ngành du lịch đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên thế giới từng giờ. Nếu có thông tin gì mới xảy ra ở Thái Lan, chúng tôi sẽ lập tức thông báo đến các hãng lữ hành ngừng đưa khách đến đây và các công ty phải tiếp nhận chỉ đạo nghiêm túc”. Trước đó vào ngày 7.8, Tổng cục Du lịch có công văn khẩn gửi các Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch và các công ty du lịch trong cả nước yêu cầu tạm dừng đưa khách đi du lịch ở những quốc gia đang bùng phát dịch bệnh Ebola; các hãng lữ hành quốc tế thông tin đầy đủ cho khách du lịch về các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ những thị trường liên quan tới dịch bệnh, cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra sức khỏe... N.Trần Tâm |
Liên Châu - Thanh Tùng - Mai Hà
>> Thủ tướng họp khẩn để đối phó với dịch Ebola
>> Ngăn dịch Ebola lây vào Việt Nam qua đường hàng không
>> Thêm một ca nghi nhiễm Ebola tại Uganda
>> WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Ebola
>> Đông Nam Á tăng cường phòng dịch Ebola
>> Tranh cãi về huyết thanh trị Ebola
>> Ban hành kế hoạch ứng phó với dịch Ebola
Bình luận (0)