Lãnh đạo các trường tư mong muốn sớm có mô hình không vì lợi nhuận để các trường có định hướng phát triển rõ ràng. Trong ảnh là sinh viên một trường ĐH tư thục tại TP.HCM đang học tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Hiến tặng và tài trợ
|
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đã đưa ra một bản dự thảo quy chế về mô hình trường ĐH tư hoạt động không vì lợi nhuận của Trường ĐH Phan Châu Trinh và cho biết, nếu quy chế này được chấp nhận thì sẽ thí điểm nhân rộng. Theo quy chế này, mô hình trường ĐH phi lợi nhuận sẽ là trường sử dụng nguồn vốn do hiến tặng và tài trợ (trong đó người tài trợ vẫn được trả lãi theo thỏa thuận khi góp vốn). Trường sẽ do hội đồng quản trị điều hành nhưng không phải do những người góp vốn bầu ra mà hội đồng này sẽ bao gồm những người sáng lập, cùng những người uy tín trong các lĩnh vực khoa học giáo dục với các thành viên ngoài nhà trường chiếm tỷ lệ không dưới 51%… Đặc biệt, hội đồng này sẽ có quyền đề cử và bàn giao việc quản lý trường cho hội đồng kế tiếp, chứ không bầu theo cơ chế đại hội đồng cổ đông.
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội, mô hình này sẽ khắc phục được những mâu thuẫn và tranh chấp quyền lực giữa các nhà đầu tư và nhà giáo trong các trường ĐH tư hiện nay. Tuy nhiên, GS Trần Phương, Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, lại phản đối. Ông cho biết: “Đây là mô hình học tập kiểu Mỹ, ở VN không thể có được vì không thể có vốn hiến tặng như ở Mỹ. Hơn nữa, trường mà không có chủ thì sẽ rất nguy hiểm vì hội đồng quản trị nhiệm kỳ đầu có thể điều hành tốt do họ là những người sáng lập nhưng sau đó thì ai sẽ điều hành trường?”. Theo ông Phương, ở VN chỉ có thể phát triển mô hình không vì lợi nhuận bằng cách vẫn huy động vốn góp từ nhiều nguồn nhưng giá trị vốn góp nhiều hay ít thì quyền lợi của người góp vốn vẫn như nhau. Nhà trường vẫn bầu hội đồng quản trị theo cơ chế đại hội đồng cổ đông, nhưng mỗi cổ đông là 1 phiếu biểu quyết chứ không biểu quyết theo tỷ trọng vốn như hiện nay. Việc quy định như hiện nay chỉ phù hợp với mô hình trường tư vì lợi nhuận, vì người góp vốn nhiều sẽ có quyền điều hành nhà trường. Đồng thời, ông Phương cũng cho biết hội đồng quản trị trường phải là nhiều thành viên và đảm nhận vai trò của hội đồng trường. “Bản thân trường tôi thực hiện theo mô hình này và nhiều năm nay không xảy ra mâu thuẫn gì cả”, ông Phương khẳng định.
Vẫn còn nhiều tranh luận
Tại hội thảo, nhiều người đồng tình với ý kiến của ông Phương nhưng cho rằng mô hình trường của ông Phương chỉ là cá biệt và không trường nào có thể thực hiện được như vậy vì quy chế trường ĐH tư thục hiện nay không cho phép.
Nhiều chuyên gia đến từ các trường ĐH ngoài công lập cũng cho rằng cần khẩn cấp xây dựng mô hình trường ĐH tư không vì lợi nhuận để các trường có định hướng phát triển rõ ràng. Ông Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, kiến nghị: “Cần phải có cơ sở pháp lý cho mô hình trường ĐH tư phi lợi nhuận và phải có quy định rạch ròi. Nếu thực hiện phi lợi nhuận nhưng vẫn quy định tổ chức đại hội đồng cổ đông và biểu quyết theo số vốn góp là mâu thuẫn và sẽ không thể thực hiện được”.
Trước những ý kiến này, ông Phạm Xuân Hậu, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GD-ĐT, cho biết hiện Bộ đang soạn thảo điều lệ trường ĐH và sẽ dành một chương quy định về trường ĐH tư phi lợi nhuận. Mô hình này sẽ không còn cơ chế đại hội đồng cổ đông như hiện nay và sẽ là đại hội đồng toàn trường, trong đó bao gồm nhà đầu tư, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, đại diện cán bộ giảng viên… Điều quan trọng tại quy định này là nhà trường phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận theo tiêu chí được quy định. “Đặc biệt, khi đã cam kết thì nhà trường không được chuyển ngược mô hình từ phi lợi nhuận sang lợi nhuận. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều tranh cãi” - ông Hậu nói.
Đại diện Vụ Giáo dục ĐH giải thích thêm, tôn chỉ mục đích của trường thể hiện ở ngay quyết định thành lập trường do Thủ tướng ký và nếu chuyển đổi mô hình thì cũng phải do Thủ tướng quyết định. Đồng thời, quy định mới cũng sẽ nêu quyền lợi của nhà đầu tư chỉ được nhận cổ tức và giữ vai trò quản lý nguồn vốn đầu tư chứ không tham gia quản trị nhà trường. Về hội đồng quản trị thì vẫn tồn tại nhưng nội hàm sẽ khác đi và việc bầu cũng không theo kiểu đối vốn nữa và nhà đầu tư chỉ có 1 lá phiếu...
GS Trần Hồng Quân đánh giá: “Nếu thực hiện được như vậy thì đây là bước đổi mới rất lớn về nhận thức đối với mô hình trường ĐH tư”.
Ý KIẾN Đã thống nhất được 2 điều quan trọng “Mô hình của trường chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhiều hoài nghi, vì đây là mô hình mới. Chúng tôi hướng đến một ngôi trường mà chất lượng giáo dục là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó là có như thế mới xây dựng được một trường ĐH trường tồn, không sụp đổ vì các mâu thuẫn nội bộ. Hội nghị này đã thống nhất được phát triển mô hình ĐH không vì lợi nhuận và người tham gia góp vốn không điều hành trường mà giao cho người có tâm huyết, uy tín trong xã hội điều hành”. Thạc sĩ ĐỖ THẾ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh) Cần phân biệt rõ các mô hình “Trong các quy định hiện hành, mô hình trường tư phi lợi nhuận chưa được làm rõ nên trường nào cũng có thể tuyên bố là phi lợi nhuận trong khi thực tế thì không như vậy. Vì vậy điều lệ lần này cần làm rõ 3 mô hình trường công, trường tư vì lợi nhuận và trường tư phi lợi nhuận để ai thích ở sân chơi nào thì ở đó". Ông ĐẶNG VĂN ĐịNH (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Chu Văn An) ĐĂNG NGUYÊN - VŨ THƠ (ghi) |
Vũ Thơ
>> Trường ĐH tư thục phải trích 25% thu nhập để đầu tư
>> Cần thay đổi cơ chế quản lý trường ĐH tư thục
>> Mỹ: ĐH tư thục là một tổ chức phi lợi nhuận
>> ĐH tư thục đang bị buôn bán: Phi lợi nhuận hay siêu lợi nhuận?
Bình luận (0)