Trước khi xem phim Hoa sữa về trong gió, tôi đã có nhiều dịp khám phá Hà Nội qua những con phố, ngõ nhỏ và thưởng thức những món ăn đặc trưng cùng bạn bè bản địa. Tuy vậy, tôi vẫn chưa cảm nhận hết cái hồn của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đến khi phim Hoa sữa về trong gió phát sóng, được giới thiệu là một bộ phim với những nội dung nhẹ nhàng như một bản tình ca về Hà Nội, tôi thực sự bị cuốn hút. Và đúng là bộ phim như một bản tình ca dành riêng cho Hà Nội vào những ngày đầu tháng 10, khi hoa sữa ngọt ngào tỏa hương trong gió.
Xem Hoa sữa về trong gió, nếu nhiều người thích xem Trang, vợ chồng Linh - Hiếu hay Thuận - Khang đại diện cho những lớp người trẻ, trung niên với những mâu thuẫn, khát vọng trong cuộc sống gia đình và cả sự nghiệp thì tôi thích xem những đoạn có ông Tùng, bà Trúc, bà Hoa… Bởi ở họ có sự tinh tế, sâu sắc và hồn hậu của người Hà Nội mà tôi từng đọc trong sách vở. Một nhóm người già khi tuổi đã xế chiều tìm niềm vui bên nhau, chia sẻ cùng nhau cả niềm vui lẫn nỗi buồn khi đám con cháu luôn khiến họ bận lòng, đau đáu…
Ở Hoa sữa về trong gió tập 26, nhìn cảnh ông Tùng sau một thời gian trốn tránh mọi người, bỗng xuất hiện ghé thăm bà Trúc và tâm tư về sự đau lòng khi đến cuối đời bị vợ chồng con trai đối xử tệ bạc, có nhà mà không muốn về phải đi thuê nhà trọ để ở; nhìn đôi mắt rơm rớm của bà Trúc khi chứng kiến nước mắt của người bạn già khi đã bạc đầu… tự dưng trong lòng tôi dâng lên niềm thương cảm nghĩ về cha mẹ mình, những người ông, người bà cám cảnh...
Đặc biệt cảnh phim rất Hà Nội khi ông Tùng và bà Trúc ngồi tâm tình trong một căn nhà đúng chất Hà Nội, hay ở những tập trước họ đi uống cà phê trong những không gian đậm chất xưa hay đi dạo cùng nhau trên những con phố Hà Nội đẹp đẽ, nhẹ nhàng…
Trong Hoa sữa về trong gió tập 26 tôi đặc biệt ấn tượng cảnh bà Trúc tức giận khi Trang không mua đúng đầu tôm khô mà bà dặn, để bà tự tay nấu cho ra được bát bún thang đúng vị Hà Nội, một món ăn có thể là cuối cùng dành cho bà Hoa.
Trang là cô gái trẻ nên có thể hiểu rất đơn giản rằng không mua được đầu tôm khô ở chợ như bà nội dặn thì có thể nhờ bạn vào siêu thị mua tôm khô hay cả thịt tôm tươi thật ngon là được rồi.
Nhưng khi nhìn túi đồ mà cháu gái mang về, bà Trúc đã không kiềm được sự tức giận và sau đó lần đầu tiên cô cháu gái chứng kiến bà nội "nổi trận lôi đình" với mình. Bởi theo giải thích của bà Trúc, phải có đầu tôm thì mới ra được hương vị đặc trưng đúng kiểu món bún thang Hà Nội.
Khi xem đến đây, tôi là người Sài Gòn và chưa từng ăn bún thang nhưng lại hiểu thêm về một đặc sản ẩm thực Hà Nội từ một bộ phim như thế cũng thật thú vị.
Xem Hoa sữa về trong gió đúng là không có drama, không có những diễn biến kịch tính bởi nhịp phim cứ chầm chậm, nhẹ nhàng đưa người xem đi qua những góc nhìn đa chiều về cuộc sống, con người Hà Nội thời nay và cả những người Hà Nội xưa để thấy rõ cách đối nhân xử thế, nhìn nhận cuộc sống của người Hà Nội. Và những giá trị xưa cũ vẫn gợi lại sự "hồn hoa" muôn thuở và tình người ấm nồng như ông Tùng, bà Trúc, bà Hoa…
Mọi ý kiến, bài viết bình luận về phim Việt, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: binhphim@thanhnien.vn. Xin cảm ơn!
Bình luận (0)