Khán giả vượt mưa xem 'Đời cô Lựu'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
29/01/2018 10:35 GMT+7

Chiều 28.1 trời đổ mưa lớn, thế nhưng khán giả vẫn vượt qua những cơn mưa để đến Nhà hát Bến Thành xem vở cải lương Đời cô Lựu , trong đó có những người ở tận các tỉnh như Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang…

Đời cô Lựu được tái dựng và diễn chỉ hai suất vào ngày 21, 28.1, với những “người xưa” như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Minh Vương, Chí Tâm, gợi bao kỷ niệm một thời.
Khán giả yêu cải lương và yêu nghệ sĩ, rưng rưng khi thấy “người yêu” của mình đã trên dưới 70 tuổi mà vẫn hát ca, cười khóc trên sân khấu. Có người vẫn khỏe mạnh, dài hơi, có người đã phải ngắt câu hát ra mấy đoạn vì yếu sức dù giọng vẫn ngọt lịm mượt mà, có người cố gắng giấu vài bước đi lựng khựng vì chân đã yếu… Nhưng tài hoa của họ vẫn sáng ngời, không thể phủ nhận, làm nên một đêm diễn tưng bừng, tuyệt đẹp.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Chí Linh trong Đời cô Lựu Ảnh: H.K
Đôi khi mình còn ngạc nhiên vì “sức trẻ” ấy, bởi khi mình 70 tuổi chưa chắc mình còn tươi cỡ đó. Nhất là NSND Ngọc Giàu, bà vẫn “cưa sừng” làm cô Bảy cán vá quá trời duyên dáng. Bà tung hứng với danh hài trẻ Tấn Beo, con trai của “ông vua đĩa nhựa” Tấn Tài cùng thời với Ngọc Giàu, làm nên một cặp hài nổ tung với những tràng cười. Thật không hiểu nổi cái duyên của Ngọc Giàu, cứ hóa trang lên là bà khác hẳn, cứ sáng đèn là bà thăng hoa.
Còn NSƯT Minh Vương cũng “cưa sừng” luôn, đóng lại vai cậu bé chăn trâu Võ Minh Luân mà ông từng đóng mấy chục năm nay. Thật sự Minh Vương rất dễ thương trong nhân vật 19 tuổi này. Bởi hình như trong con người Minh Vương có sẵn tố chất hồn nhiên, dịu dàng của một đứa trẻ, ông chẳng cần phải “hóa trang” tâm hồn chi nữa. Nghệ sĩ Chí Tâm từ nước ngoài về, một “anh Điệp” nổi tiếng trong Lan và Điệp, giờ thay thế nghệ sĩ Thanh Sang quá cố trong vai Võ Minh Thành. Chất giọng của Chí Tâm đẹp rưng rưng không hề suy giảm.
"Hai anh em" Minh Vương - Chí Tâm trong Đời cô Lựu Ảnh: HK
Và kế đó là thế hệ của Thanh Hằng, Linh Tâm, Chí Linh, cũng là những “sao” cải lương, ca diễn không chê vào đâu được. Đặc biệt Chí Linh, vào vai Hội đồng Thăng, vai diễn để đời của NSND Diệp Lang, thế mà Chí Linh đã làm khán giả giật mình. Giật mình vì anh diễn và có giọng nói hay suýt soát Diệp Lang. Cách nhả chữ, cách nhấn nhá quá giỏi.
Hội đồng Thăng của Diệp Lang tuyệt vời ở các câu thoại nhấn nhá, thể hiện một con người hiểm độc, nhưng cũng đau khổ vì sống với người vợ lạnh lùng suốt mấy chục năm. Ông vừa là thủ phạm trong tấn bi kịch này, nhưng cũng là nạn nhân của chính mình. Vai này không dễ diễn vậy mà Chí Linh đã vượt qua dễ dàng. Xem anh diễn và thoại, có cảm giác nhẹ nhàng như không hề bị cái bóng của Diệp Lang đè nặng. Anh chính là bất ngờ lớn nhất trong đêm diễn.
Những bài hát bolero chen vào kịch bản ắt cũng không làm cố soạn giả Trần Hữu Trang và đạo diễn NSND Huỳnh Nga khó chịu. Bởi bolero cũng trên âm hưởng ngũ cung, nó hòa vào cải lương khá ngọt ngào, chỉ trong vài đoạn cần nói thay tâm sự của nhân vật. Nhất là khi Lệ Quyên hát trên nền nhạc acoustic chỉ nghe tiếng guitar rơi rơi thì nó không phá vỡ cảm xúc của cải lương chút nào, thậm chí nó càng làm tăng cảm xúc sau một lớp diễn dài đầy nỗi niềm rung động. Tóm lại, trên cơ bản vẫn là vở cải lương kinh điển chuẩn mực.
Cánh màn nhung khép lại mà lòng chợt bồi hồi. Bởi gặp nhau lần này rồi không biết bao giờ gặp nhau lần nữa… Có ông bầu nào dám làm cải lương thường xuyên như thế này. Và những nghệ sĩ năm xưa giờ như lá mùa thu, như chuối chín cây, liệu có còn chờ còn đợi… Dĩ nhiên, cải lương rồi phải truyền trao cho thế hệ kế thừa, nhưng còn chút hương hoa năm cũ thì khán giả cũng muốn níu kéo, nâng niu. Bàn tay không muốn rời ra, cứ nắm lấy những ngày xưa thân ái, được ngày nào hay ngày ấy mà thôi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.