Khán giả xem V-League 2017 thấp kỷ lục

Sau 3 vòng đấu Toyota V-League 2017, lượng khán giả tới sân không như mong muốn của nhà tổ chức. Vì đâu giải đấu hàng đầu của Việt Nam lại bị người xem thờ ơ như vậy?

Thống kê của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và BTC Toyota V-League 2017 sau 3 vòng đấu đầu tiên thì số lượng khán giả đến sân ở mùa giải năm nay đáng báo động. Nếu như vòng đấu đầu tiên ước tính có 60.000 người, chia 7 sân thì trung bình khoảng 8.500 khán giả/trận, là con số có thể chấp nhận được, thì trong 2 vòng đấu sau con số này đã sụt thảm hại. Ở vòng đấu thứ hai chỉ còn khoảng 33.000 người, vòng đấu thứ ba thậm chí chỉ là 28.500 người, nghĩa là trung bình chỉ khoảng 4.000 người/trận - thấp kỷ lục trong lịch sử V-League.

Tính chung 3 vòng đấu đầu tiên có 121.500 khán giả đến sân, trung bình 5.785 người/trận. Con số này giảm tới hơn 3.000 người/trận so với cùng thời điểm này của mùa giải năm ngoái (trung bình 8.667 người/trận) và cũng thấp hơn khá nhiều so với các mùa giải trước (năm 2015 là 8.024, năm 2014 là 7.139 và năm 2013 là 9.028). Sự sụt giảm này đã gây hụt hẫng, bởi năm nay VPF và BTC V-League hy vọng sẽ kéo được nhiều khán giả đến sân sau những thành công trong năm 2016 của bóng đá trẻ.
Ở những sân vốn xưa nay nổi tiếng “kén khán giả” như Hàng Đẫy hay Long An thì đã đành, nhưng ngay cả những sân vốn nổi tiếng là đông khán giả ở các mùa trước như Vinh hay Cần Thơ giờ cũng thưa thớt người xem (sân Vinh ở vòng đấu vừa qua chỉ có 2.000 người tới xem, còn sân Cần Thơ thậm chí chỉ có 1.000 khán giả). Ngay cả trận derby TP.HCM được chờ đợi là sẽ “nóng” cả trên sân cỏ và trên khán đài ở vòng 3 nhưng rồi cuối cùng cũng “nguội” trên sân cỏ và không mấy náo nhiệt trên khán đài khi chỉ có 5.000 người tới sân Thống Nhất chứng kiến trận đấu.
Khán giả thờ ơ đến sân còn có nguyên nhân từ những sai sót của trọng tài Minh Tú
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khán giả thờ ơ với các trận đấu đầu tiên của giải đấu năm nay, bên cạnh việc các đội bóng thi đấu chưa thực sự hấp dẫn, các trọng tài (TT) còn mắc sai sót..., còn một phần là do lịch thi đấu. Cụ thể là tới một nửa số trận vòng đấu thứ 2 diễn ra vào thứ sáu (13.1) và toàn bộ vòng đấu thứ 3 diễn ra vào thứ tư (18.1), tức là ngày mọi người đi làm. Chính vì vậy, các khán giả ở xa sân không thể kịp ra sân, cho dù một số trận đã được đẩy lùi xuống thi đấu vào lúc 18 giờ. Ngoài ra, do là thời điểm cận tết, cộng thêm thời tiết mưa lạnh ở các tỉnh bắc Trung bộ cũng là nguyên nhân khiến cho khán giả đến sân thưa thớt.
Theo chúng tôi, để giải đấu lôi cuốn được người xem thì trước hết chất lượng các trận đấu phải được coi trọng. Các cầu thủ phải chơi cống hiến và nhiệt huyết hơn thay vì tính toán dẫn đến bạo lực quá nhiều và có rất nhiều tiểu xảo, câu giờ trắng trợn, làm giảm hưng phấn trong thi đấu. Nhiều TT đã dung túng và thiếu quyết liệt với các lỗi khiến người xem ngán ngẩm, như TT Ngọc Châu ở sân Hà Nội và TT Duy Lân ở sân Thống Nhất liên tục bỏ lỗi. Ngay việc xử phạt của ban kỷ luật cũng “bên trọng bên khinh”, như hành vi thiếu văn hóa của Lê Văn Thắng (Hải Phòng) trên sân Lạch Tray lại không bị phạt thích đáng.
Một vấn đề mấu chốt nữa là VPF và các CLB vẫn chưa đưa ra được công nghệ tổ chức nào làm cho giải đấu thu hút và hấp dẫn hơn. Những chuyến đi học hỏi ở Đức hay Tây Ban Nha mà VPF tổ chức trong tháng 10 vừa qua rất tốn kém nhưng không rõ thu hoạch đến đâu mà chẳng thấy áp dụng gì cho mùa giải mới cả. Nếu không có giải pháp căn cơ, mạnh mẽ hơn thì VPF và các CLB khó lòng “mời” được khán giả đến sân một cách tích cực nhất.

tin liên quan

Chủ tịch FLC ‘dọa’ rút CLB Thanh Hóa khỏi V-League
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa buông lời ‘dọa’ ban tổ chức V-League rằng sẽ rút CLB Thanh Hóa khỏi giải nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không giảm án kỷ luật cho cầu thủ Omar.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.