Khan hiếm ca khúc hay

10/08/2012 10:12 GMT+7

Ca khúc mới không thiếu nhưng thiếu những ca khúc hay. Những nhạc sĩ từng làm nên tên tuổi trong làng nhạc Việt trong những năm của thập niên 90 thế kỷ trước gần như gác bút, để lại một khoảng thiếu hụt lớn những ca khúc hay mà những cây viết trẻ hôm nay chưa thể bù đắp nổi

Cạn dần cảm hứng ?

Có nhiều lý do khác nhau để các nhạc sĩ biện minh cho việc ít đưa ca khúc của mình ra công chúng nhưng điểm chung là nguồn cảm hứng đang cạn dần.

 Khan hiếm ca khúc hay
Thiếu vắng ca khúc Việt hay nên giới trẻ chuộng hát nhạc tiếng Anh. Trong ảnh: Thí sinh Đồng Lan trong cuộc thi Giọng hát Việt - Ảnh: Đào Trang

Lâu nay, người ta vẫn nghĩ nguồn thu nhập từ công việc sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Việt Nam quá bèo khiến nhiều nhạc sĩ chọn công việc khác (thường là kinh doanh) để có thu nhập tốt hơn thay vì cặm cụi tập trung toàn bộ sức lực cho công việc sáng tác ca khúc.

Vấn đề không phải vì tiền

Nhưng sự thực không phải vậy. Nhìn vào bảng thu nhập của nhiều nhạc sĩ ở mức vài chục đến trăm triệu đồng một quý từ tiền bản quyền ca khúc thì rõ ràng các  nhạc sĩ sáng tác không phải nghèo. Theo tiết lộ của những nhạc sĩ trẻ có tiếng hiện nay như Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Dương Khắc Linh…, tác quyền cho một ca khúc sử dụng độc quyền có thời hạn luôn có giá từ mức 20 triệu đến 30 triệu đồng). Nếu sáng tác tốt, có nhiều ca khúc hay được mua độc quyền, người sáng tác cũng có thể sống dễ chịu.

Việc nhiều nhạc sĩ tên tuổi vẫn đứng ngoài cuộc chơi, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh:  “Chúng ta không thể thay đổi thời gian và mỗi người sẽ phải chấp nhận chuyện đã qua”.

Nhiều nhạc sĩ cũng có cùng nhận định: Ở mỗi thế hệ, tư duy của người viết và cả người nghe nhạc hoàn toàn khác nhau. Chắc gì những cái hay của thời trước có thể phù hợp, được đón nhận ở thời này. Hơn hết, sự phổ biến của một ca khúc chịu sự phụ thuộc rất nhiều vào cách thể hiện và thái độ cảm nhận của khán giả yêu nhạc.

Nhạc sĩ Quốc An cho rằng: “Không phải tự nhiên mà một phong trào âm nhạc có thể lên ngôi hay thoái trào. Thời gian gần đây, người ta hay nói nhiều về sự lên ngôi của dòng nhạc teen vì sự đón nhận nồng nhiệt của người hát lẫn người nghe. Biết vậy nhưng chúng tôi, những người đã qua lứa tuổi này, không thể chạy theo xu hướng đó được”. Đồng thuận với quan điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng: “Cái chính là một ca khúc khi ra đời phải đạt được hiệu ứng của nó nhưng cứ nhìn tình hình ca nhạc hiện nay, người hát được không nhiều thì làm sao mong ca khúc ấy tạo nên những hiệu ứng như mình mong muốn được”.

Mỗi người mỗi công việc

“Thực tế, tất cả các nhạc sĩ có tên tuổi đủ sức bảo chứng cho chất lượng ca khúc đều đã qua cái thời viết đại trà để kiếm tiền và cả kiếm danh. Đến thời điểm này, sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, chúng tôi cần có những chọn lựa phù hợp. Công việc sáng tác chỉ đụng đến khi cần có ca khúc cho những giọng ca mà bản thân thấy hợp” - nhạc sĩ Lê Quang nói.

Hầu hết các nhạc sĩ chuyên nghiệp đang theo đuổi những công việc khác ngoài sáng tác ca khúc. Nhạc sĩ Việt Anh khẳng định: “Chúng tôi vẫn còn nguyên niềm đam mê với âm nhạc nhưng chuyển sang một hình thức khác mà thôi. Nếu trước đây, viết ca khúc là một công việc chính thì bây giờ, nó bị đẩy xuống vị trí phụ và được thay thế bởi một công việc khác phù hợp hơn với cuộc sống cũng như niềm đam mê của mỗi người trong từng thời điểm nhất định”. Hiện nhạc sĩ Việt Anh thường xuyên giới thiệu những tác phẩm hòa tấu, khí nhạc và bận rộn với việc viết nhạc phim, kịch. Nhạc sĩ Đức Trí dành trọn thời gian của mình cho công việc giảng dạy trong khi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh tâm đắc với lĩnh vực sáng tác nhạc lougne  (tạm gọi là nhạc thư giãn)... Trong khi đó, các nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn, Vũ Quốc Việt,... ngày càng bận rộn với công việc làm nhà sản xuất một chương trình truyền hình về âm nhạc hay dẫn dắt ca sĩ. Những công việc này mang lại nhiều thu nhập nhưng cũng lấy đi hết thời gian và sức lực của họ nên chẳng ai còn cảm hứng để sáng tác ca khúc như trước đây.

Cân nhắc, tính toán

Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: “Thế hệ nhạc sĩ chúng tôi vẫn viết ca khúc đấy chứ. Nhưng khi đưa ca khúc ấy ra ngoài cũng phải cân nhắc, tính toán. Lựa chọn một giọng ca thể hiện đúng tinh thần ca khúc của mình không phải chuyện đơn giản. Nhưng khi đã chọn được rồi thì hiệu ứng ca khúc cũng chỉ đuợc một nửa nếu không được dàn dựng đúng nghĩa (chi phí đầu tư cho dàn dựng tốn kém gấp nhiều lần tiền tác quyền thu lại cho một ca khúc). Với vị trí của mình, không chỉ tôi mà nhiều nhạc sĩ khác cũng sẽ quan tâm đến việc ca khúc của mình được đưa ra thị trường thế nào. Đã qua cái thời suy nghĩ về doanh số của ca khúc mà là việc ca khúc của mình có đủ chất lượng, có tạo dấu ấn với người nghe nhạc hay không”.

Theo Thùy Trang / Người Lao Động

>> “You raise me up” được nhiều thí sinh hát tại Giọng Hát Việt
>> Ca sĩ phòng trà khuấy động "Giọng hát Việt
>> V-Music làm "phóng viên" đồng hành cùng "Giọng hát Việt
>> Thí sinh Giọng hát Việt có “sính ngoại” ?
>> “Giọng hát Việt - The Voice” gây sốt từ tập đầu tiên
>> Sao" cũng đi thi Giọng hát Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.