Vì thế năm nay ông Đàng đầu tư thêm 4 ha trồng mía mới, nâng diện tích trồng mía của gia đình ông lên 8 ha. Trong khi đó, ông Trần Văn Lan ở KP.8, TT.Hai Riêng (H.Sông Hinh) đã chuyển 5,5 ha đất trồng sắn sang trồng mía.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sông Hinh, tính đến hết tháng 5.2016, huyện này đã có trên 3.830 ha mía, trong đó 1.000 ha trồng mới vì đã có mưa kéo dài trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, việc người dân tăng diện tích trồng mía nên xuất hiện tình trạng khan hiếm mía giống. Ông Nguyễn Hải ở KP.1, TT.Hai Riêng (H.Sông Hinh) cho biết gia đình ông rất khó khăn trong việc tìm mua mía giống.
“Tôi đã bỏ nhiều ngày để thăm hỏi khắp nơi nhưng mía giống rất khan hiếm. Cuối cùng tôi phải mua mía của một thương lái với giá 1,7 triệu đồng/tấn, cao hơn 600.000 đồng/tấn so với năm trước. Riêng chi phí cho việc mua mía giống để trồng 1,7 ha, số tiền tăng thêm hơn 10 triệu đồng”, ông Hải lo lắng.
Nhiều người không mua được mía giống nên đã chuyển sang trồng sắn trở lại. Ông Hồ Văn Tưởng ở KP.10, TT.Hai Riêng đã phải từ bỏ dự định trồng mía của mình, nói: “Tôi đã cày xong 0,7 ha đất để trồng mía, nhưng do giá mía giống tăng cao, rất khó tìm mua nên tôi đành chuyển sang trồng sắn”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lệ ở xã Ea Bar cho biết gia đình có 1,5 ha mía vừa trồng xong, nhưng do thiếu giống nên phải trồng thưa, bình thường trồng các hom gối đầu thì nay trồng cách nhau một gang tay, điều này đồng nghĩa với năng suất mía năm đầu sẽ đạt sản lượng thấp.
Ông Nguyễn Khắc Sự cho biết vụ mía năm nay, nhà máy đường không đầu tư mía giống nên nông dân tự tìm mua về trồng. Trong khi đó, mùa thu hoạch trước, thương lái lùng sục khắp nơi tận thu với giá cao, dẫn đến khan hiếm nguồn mía giống. “Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn mía giống, huyện sẽ làm việc với Công ty CP mía đường Tuy Hòa để khảo sát, quy hoạch và vận động người trồng mía giữ lại những diện tích mía đảm bảo chất lượng, chủ động phân phối nguồn giống đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân”, ông Sự nói.
Bình luận (0)