Phí giao hàng vẫn cao ngất ngưởng

18/09/2021 06:56 GMT+7

Mặc dù UBND TP.HCM đã chủ trương cho phép các tài xế công nghệ hoạt động liên quận nhưng số lượng bị giới hạn, quá nhiều thủ tục ràng buộc khiến tình trạng khan hiếm shipper vẫn chưa được cải thiện.

Giá cao, đỏ mắt không tìm được shipper

Mòn mỏi chờ ngày tài xế công nghệ được hoạt động bình thường trở lại, chị Thùy Anh (chủ một tiệm cơm ở Q.10, TP.HCM) vô cùng hào hứng trước thông tin từ ngày 16.9, TP.HCM cho phép shipper hoạt động liên quận, huyện và TP.Thủ Đức. Chuẩn bị sẵn sàng hơn 20 suất cơm theo đơn đặt hàng của một cơ sở sản xuất nhỏ ở Q.Tân Bình, chị Thùy Anh tìm tài xế trên ứng dụng Grab nhưng chờ mòn mỏi gần 10 phút cũng không có tài xế nào nhận cuốc. Dùng 2 điện thoại khác đặt qua app Gojek và Be, vẫn không tìm được tài xế, chị đành điều động một nhân viên của quán thế chân shipper, đi giao hàng vội cho khách để tránh cơm chờ lâu, mất ngon.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc phối hợp với các công ty công nghệ để kiểm soát hoạt động giao nhận hàng hóa, sử dụng nền tảng công nghệ và hệ thống tài xế của họ là hướng đi hợp lý và bắt buộc đối với TP.HCM. Shipper phải được coi như một lực lượng quan trọng tham gia vận hành để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giúp hệ thống xã hội và nền kinh tế được vận hành bình thường. Vì thế, nên bỏ hết các quy định quá ngặt nghèo để shipper được hoạt động thông thoáng. Ở vùng đô thị, địa giới hành chính không mang nhiều ý nghĩa, các chính sách ban hành không thể giới hạn hành chính nên cần tháo quy định, cho tất cả shipper đủ điều kiện đã tiêm 1 mũi vắc xin được giao hàng liên quận.
“Hai ngày nay, tôi đặt rất nhiều lần nhưng vẫn không tìm được tài xế giao hàng liên quận. Không chỉ giao cơm cho quán, bản thân tôi đặt mua một ít đồ từ cửa hàng online mà bên Q.4 cũng báo phải chờ vì chưa có tài xế. TP nói cho shipper giao hàng liên quận, một số điểm kinh doanh buôn bán cũng mở rồi nhưng thực tế rất khó để đặt hàng. Chẳng riêng gì liên quận, chiều qua tôi đặt xe giao đồ cho người quen ở trong cùng Q.10 thôi mà mãi không tìm được xe”, chị Thùy Anh than thở.
Đặt đơn hàng online từ một cửa hàng trên đường Trần Bình Trọng (P.5, Q.Bình Thạnh), chị Hà Linh (ngụ đường Phan Chu Trinh, P.12, Q.Bình Thạnh) giật mình khi cửa hàng báo phí ship 46.000 đồng cho quãng đường khoảng 2 km qua app Ahamove, gấp đôi so với thường ngày. Chị Linh thử đặt giao hàng qua app Grab nhưng còn thất vọng hơn khi được báo số tiền 48.000 đồng. Đáng nói, sau khi nhận hàng, chị tiếp tục muốn chia một số đồ thực phẩm cho nhà họ hàng ở Q.7 nhưng thử đặt dịch vụ giao hàng trên ứng dụng Grab thì được thông báo từ ngày 31.8, dịch vụ GrabExpress chỉ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong khu vực nội quận tại tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Không thể giao hàng liên quận, chị Linh đành “bó tay, thôi để dùng một mình vậy”.
Không ghi nhận giá cước tăng quá cao nhưng anh Vũ Toàn (ngụ H.Củ Chi) lại gặp tình huống dở khóc dở cười khi đặt giao nhận hàng liên quận, huyện. Số là nhà anh Toàn có cửa hàng sửa xe máy vừa mở lại. Hai ngày qua, khi shipper được di chuyển thoải mái hơn, anh Toàn có đặt xe Grab giao một số hàng thực phẩm và tài liệu cho nhà anh họ ở xã kế bên và xin luôn số điện thoại của tài xế để tiện công việc. Đến sáng qua (17.9), cửa hàng sửa xe cần mua gấp một số phụ tùng, anh gọi tài xế nhưng ít phút sau lại nhận được điện thoại báo tài xế bị công an giữ lại, “dọa” lập biên bản phạt 2 triệu đồng với lý do “không phải giao đồ ăn thì không cho đi”.
“Vẫn con người đó, vẫn quãng đường đó, hôm qua đi giao đồ thoải mái mà hôm nay thì lại bị phạt, không biết đằng nào mà lần. Thử đặt lại qua ứng dụng khác nhưng chẳng có tài xế nào chịu chạy, đúng là khổ”, anh Toàn thở dài.

Covid-19 sáng 18.9: Cả nước 667.650 ca nhiễm, 433.465 ca khỏi | Số ca nhiễm ở TP.HCM đang giảm

Cầu tăng vọt + Cung hạn chế = Giá cao ?

Từ đầu tháng 9, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xét nghiệm miễn phí cho tất cả shipper đủ điều kiện hoạt động, đến nay đã gia hạn 2 lần, kéo dài đến hết 30.9. Cùng với việc nới lỏng quy định, cho phép hàng ngàn shipper được hoạt động liên quận, huyện, việc giá cước giao hàng không hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến nhiều người đặt vấn đề: phải chăng các hãng gọi xe công nghệ đã âm thầm tăng giá cước?
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện các hãng gọi xe công nghệ khẳng định không can thiệp tăng giá, giá mỗi cuốc xe được tính theo thuật toán phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách đặt xe.
Theo tính toán của đại diện Gojek, nhu cầu đặt hàng của người dân tại TP.HCM trong sáng 16.9 tăng khoảng 200 - 300% so với thời điểm trước. Trong khi đó, danh sách tài xế đủ điều kiện hoạt động mà Gojek đã gửi lên Sở Công thương là 15.000 tài xế, nhưng số bác tài có tên trong danh sách được hoạt động của Sở khá hạn chế. Có rất nhiều tài xế mới được tiêm vắc xin, cập nhật đầy đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thể bổ sung thêm. Vị này cũng khẳng định, chi phí xét nghiệm hoàn toàn không liên quan tới giá cước vì từ trước đến nay, doanh nghiệp chưa phải chịu phí này nên chưa bao giờ cộng phí xét nghiệm vào giá cước mỗi cuốc xe.
“Khi nhu cầu giao hàng tăng cao nhưng lượng xe phục vụ quá ít thì giá sẽ hiển thị tăng lên. Thực tế, phản ánh từ người dùng mà Gojek nhận được nhiều nhất trong mấy ngày qua không phải về giá cước mà về việc quá tải, không thể gọi được tài xế. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong các sở, ban ngành xem xét đề xuất tăng số lượng shipper được tham gia hoạt động để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, giúp đảm bảo sự liền mạch của chuỗi cung ứng trên địa bàn TP”, đại diện Gojek đề xuất.
Tương tự, ứng dụng gọi xe Be ghi nhận số lượng đơn hàng tăng vọt trong ngày đầu tiên tài xế được giao liên quận, tăng 2 - 3 lần so với thời điểm trước 16.9, trong khi số lượng tài xế của Be chỉ giới hạn ở mức 3.000, theo quota của Sở Công thương TP.
Theo số liệu từ Sở Công thương, số lượng shipper đăng ký hoạt động của 33 đơn vị là 160.000 người, nhưng thực tế hiện đang hoạt động chỉ có khoảng 20.000 người, rất thấp so với nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, shipper chạy liên quận gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi lại do đường sá phong tỏa, ngăn cách, mỗi khu vực hạn chế lối đi vào, bản đồ công nghệ gặp nhiều hạn chế trong thời điểm này dẫn đến việc di chuyển chậm trễ.

TP.HCM còn hơn 500.000 người chờ tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19

Shipper “chóng mặt” với hàng rào quy định

Trên một số diễn đàn các tài xế công nghệ tại TP.HCM, trong ngày đầu tiên TP.HCM cho phép hoạt động liên quận, rất nhiều shipper than phiền một số trạm y tế bất ngờ không tiếp nhận xét nghiệm, khiến họ không có đủ giấy tờ để hoạt động giao hàng. Một số tài xế đã được công ty cấp thẻ, có đầy đủ mã QR nhưng khi kiểm tra lại không có tên trong danh sách của Sở Công thương. Hy hữu, có trường hợp bác tài buổi sáng tra cứu thấy có tên trên Sở Công thương, chạy xe tới trạm y tế để xét nghiệm, rà lại thì không còn tên nên bị từ chối, đành quay đầu xe.
Đến ngày thứ hai được phép hoạt động, hàng ngàn tài xế xe công nghệ vẫn bối rối khi phía công ty thông báo đã có tên trong danh sách đủ điều kiện hoạt động nhưng trên đường link của Sở Công thương vẫn chưa thấy cập nhật.
Anh Trần Tiến, shipper của Hãng Grab, liệt kê: Điều kiện của các hãng xe công nghệ với tài xế là nhận diện khuôn mặt, có đồng phục của hãng, có giấy tờ xe; điều kiện của TP với shipper là có tên trên Sở Công thương, có QR Code, có thẻ shipper, có băng đeo tay, xét nghiệm 2 ngày 1 lần, tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin...
“Thiếu một trong các điều kiện của hãng thì tài xế bị khóa app. Thiếu một trong các điều kiện của TP thì “ăn” ngay biên bản 2 triệu. Trên đường đi thì hên xui, có người chỉ cần QR Code và giấy xét nghiệm là được qua chốt, nhưng cũng có người vừa lãnh giấy phạt vì không có tên trên Sở Công thương. Shipper ra đường làm ăn chân chính, phục vụ người dân, góp phần chống dịch mà sao khổ quá”, anh Tiến cám cảnh. .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.