Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nói: “Việc E.coli xâm nhập vào VN có thể qua người nhập cảnh, nhưng không phải là nguy cơ cao vì bệnh có biểu hiện cấp tính, thường phát hiện điều trị sớm, tốc độ lây lan chậm... Tuy nhiên, việc xâm nhập của vi khuẩn này vào VN vẫn có thể xảy ra. Bởi vậy, chúng ta vẫn phải tăng cường giám sát dịch tễ tại các cửa khẩu. Tuy chủng này chưa từng phát hiện tại VN nhưng labo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có đủ điều kiện để xác định được vi khuẩn này”.
|
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội: “Sở đã khẩn trương chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã triển khai hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, xử lý ca bệnh nhiễm khuẩn E.coli cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Các bệnh viện trong và ngoài công lập đều có trách nhiệm khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân tiêu chảy cấp nghi nhiễm E.coli để cách ly, điều trị. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của bệnh nhân, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hay lan ra cộng đồng”.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết đã chỉ đạo các BV, hệ thống điều trị, dự phòng thực hiện giám sát các ca bệnh. Nếu tiếp nhận ca bệnh có biểu hiện nghi ngờ phải báo ngay cho sở để tìm hiểu, điều tra dịch tễ...
Không dễ như giám sát SARS, cúm A
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu khuyến cáo: Ngoài rau quả tươi, E.coli rất dễ xuất hiện trong thịt động vật bảo quản, chế biến không đảm bảo vệ sinh; các hải sản tươi sống. Với giá sống, nếu ăn theo cách nhúng vào tô phở thì không tiêu diệt được E.coli. Còn thực phẩm nhiễm E.coli khi để trong tủ lạnh bảo quản, E.coli không phát triển nhưng nó không bị tiêu diệt và sẽ lây nhiễm sang thực phẩm để chung khác. |
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Xét nghiệm (BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM), cùng quan điểm: “Với những hành khách nhiễm E.coli, nếu e ngại họ không khai báo khi làm thủ tục nhập cảnh thì sẽ khó trong việc giám sát những hành khách có nguy cơ cao”.
Còn bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng: “Căng nhất hiện nay là chủng E.coli mới được lai tạp, đột biến giữa các chủng E.coli. Mặt khác, bước đầu nước ngoài xác định nguyên nhân là do giá đỗ, nhưng giá đỗ bị nhiễm E.coli từ nguồn đất hay từ người nông dân thì chưa được xác định. Tiếp nữa, chúng ta cần phải có chuẩn của chủng mới để xét nghiệm đối chứng. Do vậy, Bộ Y tế cần đề nghị WHO hỗ trợ việc này”.
Ngoài giám sát nguồn lây là người mang mầm bệnh, các chuyên gia cho biết còn phải giám sát đối với nguồn rau quả tươi sống nhập khẩu. Theo bà Trần Như Cường, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp trang trại An Hạ (xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM): “Với giá đỗ thì hầu như chúng ta không nhập khẩu, mà chỉ sử dụng sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, ngoài giá đỗ thì cũng cần lưu ý với tất cả các loại rau quả ăn tươi sống khác, chúng cũng là nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm E.coli. Quan trọng nhất là khâu chế biến cần đảm bảo vệ sinh”.
Thanh Tùng - Liên Châu
Bình luận (0)