Khẩn trương vào Myanmar

10/06/2013 03:05 GMT+7

Các doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương, quyết liệt hơn triển khai đầu tư vào thị trường Myanmar đang rất hứa hẹn.

Công trường không ngủ

Ngày 6.6, tại Yangon (Myanmar), Hội chợ triển lãm thương mại - dịch vụ TP.HCM 2013 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức đã diễn ra với 125 gian hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Mỹ phẩm Sài Gòn, Vissan, Điện Quang, Vinamilk, Dệt may Gia Định… Cùng ngày, TCT thương mại Sài Gòn (Satra) cũng khai trương văn phòng đại diện Satra tại Myanmar ở số 70, đường Phone Gyi, thị trấn Landmadaw, TP.Yangon. Văn phòng trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm các loại của 30 DN hàng đầu Việt Nam.  

Trước đó ngày 5.6, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã khởi công dự án khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 440 triệu USD, trên diện tích 82.000 m2, ở vị trí đắc điạ nhất của Yangon.

Khẩn trương vào Myanmar
Dự án của HAGL ở Yangon (Myanmar) - Ảnh: Ngọc Sơn

Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên toàn thế giới đang đổ xô đến đây. Hiện ở Yangon, giá phòng khách sạn 5 sao lên đến 350 USD/đêm mà vẫn cực kỳ khó đặt, giá thuê văn phòng cũng rất nóng. Một mét vuông văn phòng loại B (không có văn phòng loại A) từ 75-150 USD/m2/tháng. Thủ hiến bang Yangon ông Myint Swe cho biết: “Chúng tôi đã sửa đổi luật Đầu tư, các NĐT, du khách quốc tế đến Myanmar rất nhiều thông qua cửa ngõ Yangon. Tình trạng thiếu hụt văn phòng cho thuê và khách sạn rất căng thẳng”.

“Trong vòng 10 năm tới, sẽ không có quốc gia nào ở châu Á có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn Myanmar. Những cơ hội như vậy rất hiếm có. Chúng tôi đã vào thị trường này từ năm 2009 và sẽ khai thác kịp thời, hiệu quả các cơ hội này”, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL - nói.

Cần tăng tốc độ triển khai

Tại hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam - Myanmar diễn ra ở Yangon chiều 5.6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu cho biết đến nay chỉ mới có 8 dự án của các DN Việt Nam được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép đầu tư vào Myanmar với tổng vốn đầu tư là 481 triệu USD, trong đó dự án lớn nhất là HAGL Myanmar Center (440 triệu USD). Các dự án khác như dự án khai thác đá mable của Công ty CP Simco Sông Đà (18 triệu USD); dự án liên doanh thành lập công ty sản xuất dược phẩm của Tập đoàn AVS Holdings và Công ty MEIG/Zaykabar của Myanmar (22 triệu USD)... có quy mô vốn khá thấp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhận định kết quả đầu tư của nhiều DN Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, khi nhiều dự án vẫn chưa được triển khai đầu tư cụ thể. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT Việt Nam vào Myanmar (AVIM) - ông Trần Bắc Hà, khó khăn mà các DN Việt Nam gặp phải là Myanmar vẫn còn trong giai đoạn cần phải làm nhiều hơn hoàn thiện quy trình thủ tục, DN nhà nước độc quyền ở nhiều lĩnh vực như viễn thông, hàng không, khai thác mỏ…, hạ tầng cơ sở kém phát triển, thiếu văn phòng. Một khó khăn lớn là  các DN Việt Nam phải cạnh tranh với các NĐT có tiềm lực mạnh đến từ nhiều nước khác.  

Nhiều ưu đãi đầu tư mới

Theo Bộ Kế hoạch phát triển Myanmar, luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2012 của Myanmar đã có nhiều ưu đãi mới đối với các NĐT nước ngoài. Cụ thể, thời gian thuê đất 50 năm, được bổ sung 2 lần gia hạn (10 năm/lần), lên đến 70 năm. NĐT không chỉ thuê đất của nhà nước mà có thể thuê cả của tư nhân. Thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 3 lên 5 năm, NĐT được ưu đãi thêm 1 năm nếu giữ lợi nhuận để lại tái đầu tư. NĐT có thể đồng thời vừa nộp hồ sơ xin phép đầu tư với hồ sơ thành lập công ty. Giấy phép đăng ký kinh doanh được thực hiện 1 cửa, thủ tục nếu đủ điều kiện sẽ hoàn thành trong vòng 1 tháng. Chính phủ Myanmar cũng quyết định thả nổi tỷ giá có kiểm soát, chuẩn bị thành lập thị trường chứng khoán.

Ngọc Sơn

>> Cơ hội vào thị trường Myanmar
>> Cơ hội từ thị trường Myanmar
>> Thâm nhập thị trường Myanmar
>> Cơ hội đưa hàng Việt vào thị trường Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.