Khẳng định giá trị tờ báo Xứ ủy Trung kỳ trong dòng chảy báo chí cách mạng

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
07/07/2018 07:13 GMT+7

Ngày 6.7, Hội Nhà báo Thừa Thiên-Huế và Báo Thừa Thiên-Huế đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học 'Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng', nhân kỷ niệm 80 năm ngày báo Dân của Xứ ủy Trung kỳ ra số báo đầu tiên ngay tại kinh đô Huế (6.7.1938 - 6.7.2018).

Sau khi các tờ báo của Đảng như Nhành lúa, Kinh tế Tân văn, Sông Hương tục bản bị đóng cửa, Xứ ủy Trung kỳ giao Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo vận động các dân biểu tiến bộ như Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đứng ra xin phép xuất bản báo Dân. Báo đặt trụ sở ở 11 Dodart de Lagreé, TP.Huế (nay là 61 Trần Thúc Nhẫn, trụ sở của Báo Thừa Thiên-Huế), là tờ tuần báo khổ lớn có ban biên tập, tòa soạn được tổ chức bài bản. Báo chỉ xuất bản được 17 số (phát hành 5.000 bản/số) nhưng có tác động rất lớn khiến nhà cầm quyền đương thời phải buộc đóng cửa sau một sai sót liên quan đến bài báo đấu tranh cho chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa trước nguy cơ bị Nhật chiếm đóng (số 15).
Tại hội thảo, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư Nguyễn Khoa Điềm đánh giá tờ báo Dân của Xứ ủy Trung kỳ cho chúng ta nhiều bài học: lần đầu tiên một tờ báo của Đảng có mặt công khai ở Huế và phát hành ra cả nước với hơn 4.000 người mua báo; những vị lãnh tụ của Đảng ngày trước đều làm báo, viết báo và cho thấy vai trò của báo chí vô cùng quan trọng... Nhiều ý kiến đề nghị lấy ngày ra đời báo Dân làm ngày sinh nhật của Báo Thừa Thiên-Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.