Khánh Hòa: Công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong năm 2022

14/12/2022 11:49 GMT+7

Cùng với sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao chính quyền, người dân và doanh nghiệp, trong năm 2022, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa đã phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng.

Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển

Ảnh: H.V

Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,68% so với năm 2021. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại trạng thái hoạt động ổn định, các ngành chủ lực của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể như: chế biển thủy sản, sản xuất và phân phối điện, đóng tàu... do đó chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 có mức tăng khá cao. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 20%: cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%. Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: bia các loại tăng 4,7%; điện sản xuất tăng 22%; đường các loại tăng 32,5%; thủy sản các loại tăng 6,2%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 21,6%; thuốc lá tăng 9,3%; tàu biển tăng 45,8%...

CCN Sông Cầu - Khánh Vĩnh

Ảnh: Thế Quang

Một góc KKT Vân phong

Ảnh: Thế Quang

Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay tỉnh đang triển khai các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển đối với ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của Khánh Hòa nói chung như: Hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy; các cụm công nghiệp (CCN): Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân, nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong I … Đồng thời tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như các nhà máy sản xuất tại các CCN: Trảng É 2, Sông Cầu, Diên Phú - VCN.

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thể mạnh của mình như: Đóng tàu, chế biến các sản phẩm từ yến sào, cơ khí, chế biến thủy sản,... Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; công nghiệp vật liệu mới, cơ khí chế tạo chính xác....

Tỉnh Khánh Hòa cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có như: Hạ tầng KCN Ninh Thủy; các CCN Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong l, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như các nhà máy sản xuất tại CCN Trảng É, Sông Cầu, Diên Thọ.

Theo mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, Khánh Hòa sẽ giữ nguyên 4 KCN hiện có. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các KCN Ninh Thủy, Vạn Thắng và Nam Cam Ranh. Thu hút các dự án sản xuất kinh doanh, phấn đấu lấp đầy 100% KCN Suối Dầu, nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN Ninh Thủy lên 80 - 90%; KCN Nam Cam Ranh, KCN Vạn Thắng lên 60%.

Tinh chế yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa

Ảnh: H.V

Khánh Hòa phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Đến năm 2050, công nghiệp sẽ là một trong những ngành chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh, trở thành trung tâm phát triển công nghiệp mới của vùng, có nền công nghiệp thông minh.

Theo đó, tỉnh định hướng không gian phát triển các ngành công nghiệp theo 4 vùng, bao gồm: Vùng phía bắc gồm KKT Vân Phong (Phát triển thành trung tâm công nghiệp 4.0 gắn với cảng biển, là trung tâm năng lượng của tỉnh); Vùng trung tâm gồm khu vực TP.Nha Trang, Diên Khánh và Nam Ninh Hòa (thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, tin học, viễn thông; sản xuất vật liệu mới; công nghệ sinh học và dược phẩm; công nghiệp phụ trợ…); Vùng phía nam gồm ven biển H.Cam Lâm và TP.Cam Ranh (phát triển tổng hợp kinh tế biển; công nghiệp đóng tàu du lịch, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ cảng biển); Vùng nội địa và vùng núi, bao gồm một phần phía tây TX.Ninh Hòa, H.Khánh Vĩnh, H.Khánh Sơn và một phần phía tây H.Cam Lâm (khuyến khích các dự án xây dựng các nhà máy quy mô lớn chế biến nông lâm sản và thực phẩm đồ uống chất lượng cao…).

Khánh Hòa cũng sẽ bổ sung vào quy hoạch 3 KCN trong KKT Vân Phong gồm: KCN Dốc Đá Trắng rộng 288 ha; KCN Ninh Tịnh rộng 400 ha mặt đất và 200 ha lấn biển; KCN Vạn Lương rộng 200 ha. Ngoài ra, bổ sung mới 4 KCN ngoài KKT Vân Phong gồm: KCN Xuân Sơn rộng 300 ha thuộc xã Xuân Sơn và Vạn Hưng (H.Vạn Ninh); KCN Ninh Sơn rộng 622 ha thuộc xã Ninh Sơn (TX.Ninh Hòa); KCN Ninh Xuân rộng 1.900 ha thuộc xã Ninh Xuân và xã Ninh Sim (TX.Ninh Hòa); KCN Diên Thọ rộng 538 ha thuộc xã Diên Thọ (H.Diên Khánh).

Dự kiến đến năm 2030 toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có 13 CCN với tổng diện tích 709,44ha, được phân bố tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.