Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng xử lý vướng mắc dự án BOT quốc lộ 26

05/02/2023 19:13 GMT+7

Trong các năm 2021, 2022, doanh thu của dự án BOT quốc lộ 26 nối Khánh Hòa và Đắk Lắk sụt giảm. Trước tình hình đó, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Thủ tưởng xử lý vướng mắc của dự án này cũng như các vấn đề liên quan của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ngày 5.2, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét về phương án xử lý đối với dự án BOT quốc lộ 26 (QL26).

Trạm thu phí BOT QL26 bị... ế 

QL26 là tuyến đường độc đạo để lưu thông từ Khánh Hòa đi Đắk Lắk và ngược lại, được Bộ GTVT quyết định đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV CICO 501 BOT QL26, thuộc Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501 (Công ty 501).

Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng xử lý vướng mắc dự án BOT quốc lộ 26 - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Ninh Xuân từng nhiều lần bị tài xế, doanh nghiệp phản đối

P.L

Sau khi hoàn thành xây dựng, doanh nghiệp này đã đặt 2 trạm thu phí tại xã Ninh Xuân, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa và tại H.Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk để thu phí. Thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT là 33 năm 1 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 12.2019.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm hiện tại tình hình hoạt động Dự án BOT QL26 gặp nhiều khó khăn và bất cập, phát sinh một số ảnh hưởng gián tiếp đến định hướng phát triển của địa phương.

Cụ thể, sau khi trạm thu phí đi vào hoạt động đã gặp phải phản đối của các lái xe, doanh nghiệp vận tải đối với việc thu phí khi lưu thông qua trạm, khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp tại trạm thu phí Ninh Xuân, TX.Ninh Hòa.

Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty 501, lưu lượng tháng 5.2022 là 95.870 lượt xe, đến tháng 11.2022 lưu lượng đã giảm xuống còn 76.408 lượt xe, làm doanh thu tại trạm Ninh Xuân giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. Doanh thu thực tế năm 2021 chỉ đạt tỷ lệ 54% so với doanh thu theo phương án tài chính đã ký kết với Bộ GTVT. Trong các năm 2021, 2022, doanh nghiệp này đã nhiều lần có văn bản báo cáo, đề xuất phương án xin hỗ trợ dự án BOT QL26.

Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2022 Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và hiện dự án đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, đang trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Do đó, sau khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đưa vào khai thác, việc kết nối liên vùng, các hoạt động giao thương hàng hóa, du lịch từ các tỉnh Tây nguyên đến tỉnh Khánh Hòa và ngược lại sẽ được tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng. "Khi đó tuyến QL26 chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối các huyện, thị dọc theo tuyến nên lưu lượng trên tuyến QL26 và doanh thu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, sụt giảm nhiều, tác động rất lớn đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn cho dự án BOT QL26 vốn đã gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại", UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Kiến nghị đầu tư nút giao hoàn chỉnh kết nối QL26 với Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất hình thái nút giao hoàn chỉnh dạng kim cương với 4 nhánh kết nối với QL26. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư xây dựng nút giao trực thông cao tốc vượt QL26 bằng cầu vượt để không gây ảnh hưởng đến dự án BOT QL26.

Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng xử lý vướng mắc dự án BOT quốc lộ 26 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Báo Điện tử Chính phủ

Cho rằng việc này sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và khu vực TX.Ninh Hòa nói riêng, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh theo hình thái đã được thống nhất ngay từ giai đoạn 1, để từ đó phát huy được hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp trên địa bàn TX.Ninh Hòa, các khu chức năng trong khu vực và cảng tổng hợp Nam Vân Phong, các tỉnh miền Trung Tây nguyên thông qua tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc bắc - nam phía đông.

Sau khi xem xét, Bộ GTVT đã có văn bản cho rằng: "Việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và QL26 theo hình thái nút giao dạng kim cương, cao tốc vượt QL26 ngay trong giai đoạn 1 như đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa là chưa phù hợp với Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội. Ngoài ra, song song với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hiện có Dự án cải tạo, nâng cấp QL26 theo hình thức hợp đồng BOT, việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông sẽ ảnh hưởng và tác động đến khả năng hoàn vốn của dự án BOT QL26".

Trong văn bản gửi đi, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa dự án BOT QL26 vào danh mục các dự án BOT trình Quốc hội thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý.

Đồng thời chỉ đạo Bộ GTVT xem xét, thống nhất phương án đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với QL26 trước năm 2026 theo đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Theo quy hoạch, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 117,5 km, điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, TX.Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại địa phận xã Hòa Đông, H.Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk). Tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng.

Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Đến năm 2026 phải cơ bản hoàn thành toàn tuyến và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cả dự án vào năm 2027.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.