Vân Phong sẽ có khu đô thị, sân bay, cảng biển quốc tế, casino
Theo đó, KKT Vân Phong có diện tích khoảng 150.000 ha, với phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo hơn 70.000 ha, được chia thành 19 phân khu.
Theo quy hoạch được phê duyệt, KKT Vân Phong là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
KKT Vân Phong cũng được định hướng để trở thành khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Đáng chú ý, khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha tại xã Vạn Thắng, H.Vạn Ninh - khu vực phía bắc Vân Phong. Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang.
Để đẩy nhanh sự phát triển của KKT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Ban quản lý KKT Vân Phong đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu để làm cơ sở cho công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKT; tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Sumitomo xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để có thể đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Trong thu hút đầu tư, sẽ thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về các chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới.
Theo BQL KKT Vân Phong, trong thời gian tới, KKT Vân Phong sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển với quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở KKT Vân Phong cũng chỉ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2023, KKT Vân Phong sẽ thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp "đại bàng" quan tâm đầu tư vào KKT Vân Phong
Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, tại khu vực nam Vân Phong một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang triển khai. Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp "đại bàng" quan tâm đầu tư vào KKT Vân Phong, tiêu biểu như: Tập đoàn Sungroup, Công ty Flamingo Holding, Công ty CP SSI, Công ty CP Dầu khí Phương Đông, Công ty CP Shinec, Công ty CP Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Sonadezi...
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã lên kế hoạch để lựa chọn nhà đầu tư vào 2 dự án trọng điểm cùng 9 dự án "khủng" tại KKT Vân Phong.
Đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) đa năng cao cấp Đầm Môn rộng 1.000 ha, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 2.2024 và chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 3.2024.
Dự án đầu tư xây dựng KĐT đa năng Cổ Mã - Tu Bông khoảng 1.200 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 5.2024 và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 6.2024.
Ngoài ra, còn có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn khoảng 1.600 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9.2024.
Cuối cùng là dự án khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp núi Khải Lương khoảng 400 ha. Dự án dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9.2024.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã có biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn - Khải Lương, vốn đầu tư 25.000 tỉ đồng của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà.
Cùng với đó là biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư KĐT sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã - Tu Bông, vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc và biên bản nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, việc phát triển KKT Vân Phong chính là sự vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Ban quản lý KKT Vân Phong đẩy nhanh công tác quy hoạch phân khu; hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng các dự án lớn, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 (đặc biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.
Bình luận (0)