Sáng 28.6, Báo Thanh Niên và Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái, Huyện đoàn Lục Yên và Đảng ủy - UBND xã Khánh Thiện tổ chức lễ khánh thành, bàn giao 2 cầu dân sinh thôn Làng Giàu và thôn Nà Luồng.
Dự buổi lễ, về phía nhà tài trợ gồm có nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; bà Hàn Thị Thủy, Trưởng ban Truyền thông, Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm. Về phía địa phương có anh Hà Đức Hải, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái; anh Triệu Chí Lộc, Phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái; anh Nông Thanh Sơn, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên; và Đảng ủy - HĐND - UBND xã Khánh Thiện cùng đông đảo nhân dân thôn Làng Giàu và thôn Nà Luồng.
Phấn khởi trên 2 cây cầu ‘ước mơ’ vừa khánh thành ở vùng cao Yên Bái
Công trình nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa
Xã Khánh Thiện nằm cách trung tâm H.Lục Yên 19 km về phía tây, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng của địa phương cơ bản được kiên cố hóa.
Tuy nhiên, một số hạng mục được đầu tư trước đây, do kinh phí hạn hẹp nên chỉ làm tạm bợ để đi lại và đã xuống cấp trầm trọng, điển hình là 2 cống tràn của thôn Làng Giàu và Nà Luồng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, nhà báo Trần Việt Hưng khẳng định, 2 cầu dân sinh được xây dựng, hoàn thiện là kết quả của sự vận động, công tác của Báo Thanh Niên, là sự đóng góp của Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm - đối tác đã đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong nhiều năm qua, đồng thời cũng có sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của chính quyền các cấp.
Quy mô công trình tuy còn nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng thiết thực, là biểu hiện sinh động của sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, công chức của Báo Thanh Niên và chính quyền các cấp trong việc đóng góp, chung tay xây dựng công trình dân sinh trên khắp mọi miền đất nước.
Theo nhà báo Trần Việt Hưng, Báo Thanh Niên đã trải qua 38 năm hình thành, phát triển. Trên con đường phát triển, báo đã vươn lên, bám sát tôn chỉ, mục đích của mình, đó là cơ quan báo chí của T.Ư Đoàn, là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của thanh niên Việt Nam. Bên cạnh việc làm tốt công tác nội dung, các cán bộ, phóng viên của báo luôn luôn có ý thức xã hội, nhất là việc đồng hành, vận động các nhà tài trợ để thực hiện nhiều công trình dân sinh, các dự án mang ý nghĩa cho xã hội, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Đại diện cho nhà tài trợ phát biểu tại buổi lễ, bà Hàn Thị Thủy bày tỏ sự vui mừng khi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình của Tỉnh đoàn Yên Bái, Huyện đoàn Lục Yên và chính quyền xã Khánh Thiện trong việc triển khai dự án này.
Hình ảnh khu vực cống tràn ở thôn Nà Luồng khi xảy ra mưa lũ (bên trái) và thời điểm đưa cầu dân sinh vào khai thác, sử dụng
Chỉ trong thời gian ngắn đầu tư, xây dựng, 2 cầu dân sinh đã được đưa vào khai thác, sử dụng và bước đầu phát huy được tính hiệu quả tích cực đối với đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần giúp người dân địa phương đi lại, giao thương được thuận tiện, an toàn hơn. Đồng thời, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Đây là điều mà Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm rất vui mừng. Ý nghĩa của 2 cây cầu còn thể hiện sự đồng hành của chúng tôi với Báo Thanh Niên cùng lãnh đạo các cấp đã đến được địa chỉ xứng đáng, là nơi đang cần được chúng tôi cùng chung tay hỗ trợ", bà Thủy bày tỏ.
"Với địa phương, đây là 2 cây cầu tình nghĩa"
Chia sẻ thêm về điều kiện của địa phương, ông Triệu Đức Chính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Thiện, cho biết vào mùa mưa lũ, khu vực 2 thôn này thường bị chia cắt. Ngoài ra, do tắc nghẽn dòng chảy nên nước lũ còn dâng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu của người dân. Đặc biệt là việc các cháu học sinh khi đi lại qua 2 cống tràn này sẽ rất nguy hiểm, khó khăn.
"Với địa phương, đây là 2 cây cầu tình nghĩa, cây cầu tình thương giúp bà con nhân dân trong xã nói chung và 2 thôn nói riêng có cây cầu đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp các học sinh đi lại an toàn hơn. Thay mặt Đảng ủy - HĐND - UBND xã và toàn thể bà con nhân dân trân trọng cảm ơn Báo Thanh Niên, nhà tài trợ và Tỉnh đoàn Yên Bái, Huyện đoàn Lục Yên khi đã có hoạt động vô cùng ý nghĩa này. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, địa phương sẽ được nhận nhiều chương trình hơn nữa để giúp bà con nhân dân và xã Khánh Thiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ tới", ông Chính nói.
Kể từ khi cống tràn của thôn được thay thế bằng cầu dân sinh, mỗi khi đi trên cây cầu dân sinh bắc qua thôn lại khiến ông Hoàng Đình Nông (64 tuổi, Trưởng thôn Nà Luồng), tưởng tượng rằng mình đang "đi trong giấc mơ".
Theo ông Nông, trước kia, mỗi khi trận nước lũ tràn về cuốn theo rác củi trên đồi xuống, tràn vào ruộng nương.
"Khi đó, địa phương lại cử người ra vớt rác, củi để các cháu đi học, người dân di chuyển được thuận tiện hơn. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại ước mơ có cây cầu mới đàng hoàng để đi lại. Từ khi cầu xây xong, trải qua vài trận mưa lũ nhưng bà con nhân dân đi lại vẫn rất thoải mái, các cháu đi học cũng yên tâm hơn. Được nhà tài trợ và nhân dân cùng đóng góp, xây dựng hoàn thiện 2 cây cầu nên dân bản chúng tôi rất phấn khởi", ông Nông cho biết thêm.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện, Ban chấp hành Đoàn xã Khánh Thiện cùng sự kết nối từ Huyện đoàn Lục Yên, Tỉnh đoàn Yên Bái, sau khi khảo sát kỹ lưỡng, Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm đã thông qua Báo Thanh Niên hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng để xây dựng 2 cây cầu dân sinh cho 2 thôn Nà Luồng và Làng Giàu.
Ngày 15.4, lễ khởi công xây dựng 2 cây cầu dân sinh được tiến hành. Những cây cầu này được thiết kế xây mới bằng kết cấu xi măng cốt thép có chiều dài 4 m, chiều rộng mặt cầu 3,5 m. Tổng mức đầu tư là gần 350 triệu đồng, trong đó Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm tài trợ 200 triệu đồng, số tiền còn lại do cấp ủy, chính quyền, cán bộ, các nhà hảo tâm và bà con nhân dân trong thôn đóng góp hằng ngày bằng công lao động và vật liệu tại chỗ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Triệu Đức Chính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Thiện, cho biết chủ trương của địa phương từ năm 2019 cho đến nay là các công trình xã hội trên địa bàn khi được đầu tư, xây dựng luôn phải có sự đóng góp, chung tay của người dân bản địa.
Chủ trương này được đưa ra nhằm tạo tinh thần trách nhiệm, gắn bó cho người dân đối với công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình địa bàn. Từ đó, giúp người dân không có tâm lý trông chờ, ỷ lại khi đầu tư, xây dựng các công trình khác sau này.
"Nếu bà con không có tiền thì có thể đóng góp bằng sức người. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn đã có 5 cây cầu, bao gồm cả 2 cây cầu vừa khánh thành sáng nay, được hình thành từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà tài trợ và sự đóng góp sức người, kinh tế từ người dân địa phương", ông Chính cho biết thêm.
Bình luận (0)