(TNO) Sáng nay, 23.5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).
Cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc là quần thể kiến trúc được xây dựng trên mặt bằng hơn 2,6 ha, tổng vốn đầu tư gần 73 tỉ đồng.
Trung tâm Khu tưởng niệm là Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc. Trước mặt và hai bên đền là nhà lưu niệm, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong những năm đầu thế kỷ 20), nhà bia di tích, nhà tiếp khách và bán hàng lưu niệm, nhà vọng cảnh, cột cờ, hồ sen...
Lớp học của nhà nho Hoàng Xuân Đường, khi chưa được nhận vào học, Nguyễn Sinh Sắc thường đứng ngoài cửa sổ để nghe thầy giảng bài (cụm tượng được trưng bày trong khu Nhà lưu niệm) - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Nội dung trưng bày nội thất Nhà lưu niệm gồm hai chủ đề chính: Phần chủ đề về “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” chiếm 70%, còn lại là chủ đề “Nguyễn Tất Thành với Bình Định”.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, cả nước có 4 địa phương, gồm: Nghệ An, Huế, Bình Định và Đồng Tháp liên quan đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, được xây dựng Nhà lưu niệm và lưu giữ những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Tượng gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc được trưng bày trong khu Nhà lưu niệm - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Tháng 5.1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê vào tháng 7.1909.
Hai người con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Nguyễn Tất Đạt ở với cha tại Huyện đường Bình Khê, Nguyễn Tất Thành được gửi ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn để học tiếng Pháp.
Khi giữ chức Tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành.
Tháng 1.1910, cụ bị vu tội “lạm quyền” dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh cách chức. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành theo lời cha dặn, không về Huế mà tiếp tục dấn thân vào con đường tìm đường cứu nước, cứu dân.
Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học. Cụ qua đời tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 11.1929.
“Di tích Huyện đường Bình Khê là nơi lưu niệm về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phản ánh một sự kiện quan trọng: bước đầu hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên bước đường tìm đường giải phóng dân tộc. Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, tận tụy vì dân và về Chủ tịch Hồ Chí Minh –một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là danh nhân văn hóa của thế giới”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)