Khánh thành nhà máy sản xuất thủy tinh quy mô lớn ở miền Trung - Tây nguyên

18/12/2018 07:30 GMT+7

Sáng 18.12, tại KCN Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Công ty CP XNK Dịch vụ và Đầu tư Việt Nam (Vicosimex) long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Thủy tinh Glass Vico thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico.

Lễ khánh thành với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; các cơ quan chính quyền, ban ngành tỉnh và huyện Phong Điền; những bạn hàng, đối tác trong và ngoài nước của Vicosimex cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên công ty.

Sự hình thành của Nhà máy thủy tinh Glass Vico và sự trở lại của ngành sản xuất một thời vang bóng

Từ những năm 2011, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chế biến sâu nguyên liệu cát trắng thành sản phẩm khác, Công ty Vicosimex đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu nhiều dự án như sản xuất thủy tinh nước, thủy tinh cục, sợi vải thủy tinh, silica dioxit… Tuy vậy, với nhiều lý do khác nhau như thị trường, môi trường, hiệu quả đầu tư nên Công ty không thể triển khai thực hiện.
Trải qua bao thăng trầm, cuối năm 2016 Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico (công ty con của Vicosimex) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thủy tinh dân dụng và thủy tinh bao bì, đến đầu năm 2017, Công ty Vicosimex khởi công xây dựng và đến nay nhà máy đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Nhà máy sản xuất thủy tinh Glass Vico ra đời từ đó, đánh dấu sự trở lại của ngành một thời vang bóng tại miền Trung - ngành thủy tinh. Cũng từ đây, công ty đã thực hiện đầy đủ các cam kết với UBND tỉnh theo lộ trình chế biến sâu nguyên liệu cát trắng thành các sản phẩm khác như cát khuôn đúc, bột cát siêu mịn, sản phẩm thủy tinh.
Nhà máy vừa hoàn thành giai đoạn 1 với mức đầu tư 50 tỉ đồng; với công suất lò nấu thủy tinh 15 tấn/ngày. Mục tiêu của công ty sau 2 - 3 năm hoạt động, sẽ tiếp tục đầu tư thêm lò nấu mới công suất 30 - 50 tấn/ngày với vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng cho giai đoạn 2. Đến thời điểm khánh thành, nhà máy đã đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm ổn định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên các sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường trong thời điểm cuối năm, phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến.

Tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương

Không chỉ đơn thuần là việc gầy dựng trở lại một ngành nghề nổi tiếng của miền Trung - Tây nguyên vang bóng một thời, sự ra đời của Nhà máy Glass Vico còn góp phần rất lớn vào việc sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc Công ty Glass Vico cho biết, hiện nay nhà máy có tất cả 85 CB - CNV, hầu hết là người địa phương. Công ty cũng ưu tiên sử dụng lao động địa phương nhằm góp phần nâng cao đời sống xã hội của tỉnh nhà. Khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động, nhu cầu lao động của công ty lên đến 200 người.
Việc chọn KCN Phong Điền là nơi hình thành nhà máy thủy tinh, theo ông Thuần là bởi nhận thấy nơi đây có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại KCN được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, việc sản xuất thủy tinh dân dụng, bao bì thủy tinh sẽ đạt hiệu quả cao. Công ty cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo các cấp chính quyền cùng nhiều ưu đãi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện Phong Điền cũng là nơi sở hữu nguồn cát trắng rất lớn và chất lượng, đáp ứng được nguồn nguyên liệu đầu vào (chiếm 60% nguyên liệu) của ngành sản xuất thủy tinh.
Chia sẻ về chiến lược phát triển của đơn vị, ông Võ Văn Kiệt, Tổng giám đốc Công ty Vicosimex khẳng định: “Với thế mạnh nguyên liệu đầu vào, chiến lược phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng khắp trong và ngoài nước, công nghệ sản xuất hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào sẽ là tiền đề để nhà máy ngày càng lớn mạnh, tiếp tục cho các giai đoạn đầu tư tiếp theo. Đây là 1 trong 5 nhà máy trực thuộc Công ty Vicosimex có quy mô đầu tư lớn, góp phần đưa Công ty Vicosimex ngày càng phát triển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.