Học sinh tiểu học học thêm ngoài giờ tại một nhà riêng ở Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Qua khảo sát cho thấy có nhiều lý do để phụ huynh (PH) cho con đi học thêm. Trong đó để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình là cao nhất (31,2%), bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình (25,7%), tự nguyện vì thấy con thua kém bạn bè (22,3%). Như vậy, 2 lý do đầu chiếm trên 50%, nghĩa là PH muốn “nạp” thêm kiến thức vào đầu con trẻ càng nhiều càng tốt. Đây cũng là tâm lý chung của PH các nước châu Á, trong khi PH các nước phương Tây muốn cho con vừa học, vừa chơi để phát triển năng lực và trí tuệ của trẻ. Cần lưu ý là có 21,7% PH cho rằng do không có thời gian quản con nên cho con đi học thêm. Chỉ có 4,3% PH trả lời do giáo viên gây áp lực, bắt ép, trù dập nên cho con học thêm, trong đó Cần Thơ lại cao nhất (9,6%) kế đến là Hà Nội (6,1%) và Đà Nẵng là 5,9%, trong khi TP.HCM (2,6%) và Bình Định chỉ 1%. Nói tóm lại, cho học sinh học thêm là một nhu cầu có thật.
|
Thế nhưng, quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học của Bộ GD-ĐT đã làm giảm các lớp dạy học thêm dưới hình thức CLB hoặc “lớp trông giữ trẻ ngoài giờ theo nhu cầu của PH” ở trường nhưng giáo viên vẫn tìm đủ mọi cách dạy thêm ngoài nhà trường. Rõ ràng, Bộ cần phải xem xét một cách thấu đáo, thay vì việc quản lý dạy thêm sao cho hiệu quả như nhiều nước cũng tổ chức học thêm cho học sinh tiểu học (có thể do nhà nước tổ chức) nhưng chỉ học thêm về âm nhạc, mỹ thuật, quay phim, chụp ảnh… chứ không học về kiến thức các môn học.
Với các trường THCS và THPT thì việc dạy thêm không bị cấm tuyệt đối nhưng theo quy định, các trường và giáo viên muốn tổ chức phải được cấp phép. Để được cấp phép thì các trường phải trình được kế hoạch giảng dạy, chương trình, phân loại đối tượng học sinh để có phương pháp và nội dung giảng dạy phù hợp, phải công khai mức thu chi… Chính vì những thủ tục cụ thể này nên nhiều trường đã lách luật bằng cách phối hợp với một trung tâm nào đó ở bên ngoài để trung tâm đó đứng ra tổ chức dạy thêm. Trên thực tế, vẫn hoàn toàn là giáo viên, cơ sở vật chất của trường, ban giám hiệu nhà trường đứng ra quản lý… nhưng trên danh nghĩa là
học thêm của trung tâm chứ không phải của trường. Nhà trường làm thế để không phải làm thủ tục cấp phép hoặc chịu trách nhiệm mà thôi. Mô hình này được nhân rộng ở khá nhiều trường.
Một cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc quản lý một số cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm còn hạn chế vì lực lượng cán bộ quá ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc và chưa có chế tài để xử lý.
“Mức lương này sao đảm bảo cuộc sống ?”
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, cho rằng: “Dạy thêm không phải là xấu mà cái xấu là vì nó tràn lan. Cái chính là cách giáo dục, cách thi cử của mình. Phải thay đổi cách đánh giá, thi cử và phương pháp dạy học chứ cấm đoán theo cách hành chính hóa, đi bắt bớ việc dạy thêm là không nên và không đúng”. Bà Bình cũng đề cập tới việc phải thay đổi cách thức đãi ngộ đối với giáo viên.
Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM nói: “Giáo viên không sống được bằng lương nên phải đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Nếu không dạy thêm được, chắc chắn họ cũng kiếm công việc gì đó làm thêm để đảm bảo cuộc sống”.
Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), lương của giáo viên hiện nay quá thấp, khó lòng đảm bảo được cuộc sống, nhất là đối với những giáo viên mới ra trường.
Dẫn chứng về vấn đề này, một giáo viên tiểu học tại huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: “4 năm trước, tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM ngành giáo dục tiểu học và ra trường đi dạy. Mức lương lúc đó chỉ có 1,8 triệu đồng/tháng. Sau 4 năm giảng dạy, lương và phụ cấp của tôi hiện được 3,4 triệu đồng/tháng. Nhưng trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn lại 3,2 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, ai có nhà ở TP.HCM, không phải thuê mướn thì may ra mới trang trải được cuộc sống. Nhưng nếu tôi có gia đình và có con cái, vậy với mức lương này sao đảm bảo cuộc sống?”.
Bà Phạm Thúy Hà nói thêm: “Tôi đi dạy đã 22 năm. Hiện nay mức lương của tôi có kèm phụ cấp quản lý được 6,9 triệu đồng. Trong khi đó, những người dạy 5 năm chỉ khoảng 4 triệu đồng. 10 năm khoảng 5 triệu đồng. Với mức lương như vậy, khi có gia đình, có 2 đứa con đi học thì làm sao sống đủ. Nếu chồng hoặc vợ giáo viên có mức lương tương đương thì may ra mới đủ nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống. Còn nếu chồng/vợ có việc làm không ổn định thì gia cảnh sẽ hết sức khó khăn”.
Vì “thiếu” nên mới phải “thêm”
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội và PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đều có cùng quan điểm do giáo dục tại trường còn thiếu kiến thức nên mới phải “thêm” cho nên đừng để “thiếu”. Hai ông lập luận nếu học trên lớp, trong trường đã đủ thì sẽ bớt học thêm. Muốn dạy đủ, dạy tốt thì đừng đưa nội dung quá nhiều vào chương trình giảng dạy. Học gì thì kiểm tra, thi cái đó, theo đúng nội dung và cách đã dạy. “Lý tưởng nhất là chúng ta có một đội ngũ giáo viên giỏi tương đối đồng đều ở các trường để học sinh không phải học thêm ở thầy này, cô kia vì thầy cô ấy giỏi hơn giáo viên mà mình đang học”, ông Cương nói.
Trước thực trạng này, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, khẳng định: “Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con học thêm”.
Tuệ Nguyễn - Minh Luân
>> TP.HCM phân cấp quản lý và cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm
>> Chấn chỉnh việc tổ chức bán trú và dạy thêm ngoài nhà trường
>> Chấn chỉnh dạy thêm, thu góp trái quy định
>> Giáo viên Quảng Nam không được tự mở lớp dạy thêm
>> Phạt 3 giáo viên dạy thêm 18 triệu đồng
>> Xử lý nghiêm việc dạy thêm trái luật
>> Quản lý dạy thêm học thêm chưa chặt chẽ
Bình luận (0)