|
Đây là kết quả của khảo sát do Báo Thanh Niên thực hiện ở 5 trường THPT tại TP.HCM, có sự tham gia của chuyên viên Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Học sinh thích ngoại ngữ là môn tự chọn
Cả 2 phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều theo hướng đổi mới và giảm tải. Theo đó, ngoài 2 - 3 môn thi bắt buộc, học sinh (HS) tự chọn 2 môn thi còn lại trong số các môn quy định. Kết quả khảo sát cho thấy, như dự đoán của nhiều người, có đến 77,23% chọn phương án 1 (có 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử).
Tuy nhiên, sự lựa chọn có khác nhau ở các nhóm HS. HS những trường có điểm đầu vào lớp 10 thuộc loại trung bình như Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8) hoặc xét tuyển như Long Trường (Q.9) thích phương án 1 hơn. Trong khi đó, HS các trường đầu vào cao như: Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thì xem 2 phương án như nhau nên sự chênh lệch số HS lựa chọn 2 phương án không nhiều. Chẳng hạn HS chọn phương án 1 và 2 (ngoại ngữ là môn thi bắt buộc) của Trường Nguyễn Thị Minh Khai lần lượt là 25/23, Lê Hồng Phong 24/12. Thậm chí ở Trường THPT Bùi Thị Xuân chỉ có 5 HS chọn phương án 1, và có đến 32 HS chọn phương án 2.
Tương tự, với câu hỏi thứ hai của phiếu khảo sát, có 43,95% HS thích ngoại ngữ là môn tự chọn, 38,33% khuyến khích và 17,72% bắt buộc. Như vậy, đa số HS không thích môn ngoại ngữ là bắt buộc. Vấn đề này cũng có sự khác nhau giữa các nhóm: trung bình thích ngoại ngữ là môn tự chọn hoặc khuyến khích trong khi HS khá giỏi xem cả 3 phương án như nhau, thậm chí muốn ngoại ngữ là môn bắt buộc.
Mở rộng đối tượng miễn thi
Theo khảo sát, đa số HS đồng ý mở rộng đối tượng miễn thi tốt nghiệp THPT theo như dự thảo của Bộ. Đó là HS giỏi, đạt giải các cấp, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao... và HS có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt. Sự thay đổi này phù hợp với nguyện vọng của HS nên được phần lớn ủng hộ.
Cũng theo khuynh hướng này, qua khảo sát, phần lớn HS ở các trường tốt đều mong muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay. Điều này phản ánh thực tế là ở các trường chất lượng tốt, trường chuyên, 100% HS đều hướng đến kỳ thi tuyển sinh ĐH chứ không bận tâm lắm đến kỳ thi tốt nghiệp.
Gần 61% HS muốn điểm xét tốt nghiệp chỉ tính trên điểm thi, không tính điểm trung bình năm học lớp 12.
Về hình thức thi, đa số HS chọn thi trắc nghiệm khách quan. Điều này phù hợp với thực tế vì với phần lớn HS, làm bài với đề thi theo hướng trắc nghiệm thường dễ hơn. Điều này cũng đặt ra vấn đề là phải nâng cao, cải thiện đề thi trắc nghiệm, tăng cường câu hỏi thông hiểu, đòi hỏi HS phải suy luận, sáng tạo, gắn liền với thực tế chứ không chỉ đoán mò, lựa chọn hên xui như hiện nay.
Tự chọn môn thi không đồng nghĩa học lệch
Câu cuối cùng trong bảng khảo sát chúng tôi muốn nhấn mạnh đến mối băn khoăn của nhiều người hiện nay: Lựa chọn môn thi, HS có học lệch? Kết quả đến 93,77% cho rằng ngoài những môn bắt buộc, các môn tự chọn giúp HS chọn đúng môn năng lực, sở trường của mình. Chỉ hơn 5% cho biết điều này khiến HS học lệch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra là làm sao với những môn mà HS không chọn vẫn phải đảm bảo nắm được những kiến thức cơ bản. Chẳng hạn HS có thiên hướng các khối ngành xã hội như văn, sử, địa thì không cần đặt quá nặng về kiến thức hình học không gian, tích phân... mà chỉ cần học cơ bản về toán và biết tính thống kê, số liệu để sau này làm việc.
Không lơ là nếu ngoại ngữ là môn khuyến khích Trước sự lo ngại của dư luận về việc nếu ngoại ngữ là môn khuyến khích thì HS liệu có lơ là hay không, bảng khảo sát của Báo Thanh Niên đã đặt ra vấn đề này. Kết quả, khoảng 68,94% HS cho rằng sẽ không lơ là ngoại ngữ dù đây có thể là môn thi khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều ngạc nhiên là tỷ lệ HS ở các trường có đầu vào thấp khẳng định không bỏ bê chuyện học ngoại ngữ nhiều hơn trường chất lượng tốt. Ngược lại, chỉ có 16% HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho rằng không lơ là ngoại ngữ khi môn này chỉ là môn khuyến khích. Cũng theo khuynh hướng trên, có 72,95% HS trả lời sẽ chọn ngoại ngữ nếu đây là môn thi khuyến khích. HS nhóm trường trung bình có tỷ lệ chọn ít hơn như Trường Nguyễn Văn Linh là 64,17%, trong khi các trường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong hơn 80%. Cách lựa chọn của HS phản ánh thực tế khả năng học ngoại ngữ của mình: HS ở trường chất lượng cao, trung tâm có điều kiện và khả năng học ngoại ngữ tốt hơn HS ở xa. |
Ít học sinh chọn môn sử Yêu cầu HS chọn không quá 3 trong 6 môn (lý, hóa, sinh, địa, sử, ngoại ngữ) là môn tự chọn, chúng tôi có kết quả lần lượt như sau: 23,38%, 21,87%, 15,17%, 13,67%, 9,09% và 16,8%. HS chọn môn lý nhiều nhất vì môn này nằm trong 2 khối thi A, A1 và rất nhiều trường ĐH tuyển sinh 2 khối này. Môn hóa nằm trong khối thi A và B nên cũng nhiều HS lựa chọn vì số HS thi ĐH 2 khối này hằng năm khá cao. Dù sử và địa trong khối C thi ĐH nhưng HS chọn môn sử ít hơn. Điều này một lần nữa chứng tỏ, với HS, môn sử hiện nay khó học và chưa hấp dẫn. |
Các địa phương mong đổi mới mạnh hơn Hầu hết các địa phương hào hứng đón nhận những dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, thậm chí còn cho rằng lẽ ra nên đổi mới mạnh hơn nữa. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội tỏ ra rất ủng hộ phương án 1 mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Ông Hoan phân tích: “Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ hiện có một sự chênh lệch rất lớn không chỉ trên toàn quốc mà ngay cả với Hà Nội nói riêng. Chất lượng dạy học môn ngoại ngữ các quận nội thành trội hơn hẳn các huyện ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa...”. Tuy nhiên, ông Hoan mong muốn Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn đổi mới hơn nữa, chẳng hạn như có thể giao hẳn việc ra đề cho các sở GD- ĐT thay vì việc Bộ ra một đề thi chung trên toàn quốc như hiện nay. Theo ông Hoan, việc tự ra đề thi sẽ giúp các sở đánh giá được chính xác hơn học sinh (HS) của mình, từ đó mới có tác dụng tích cực trở lại hoạt động dạy và học. Việc Bộ GD-ĐT ra chung một đề chung cho cả 63 tỉnh thành thì đề thi có thể vừa sức với HS các tỉnh khó khăn nhưng lại quá dễ với HS các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. “Đề thi toán có thời gian làm bài là 150 phút nhưng ở Hà Nội có những hội đồng thi chỉ sau 40 - 50 phút hầu hết thí sinh đã làm xong. Nếu giao cho các sở tự ra đề, tôi nghĩ họ sẽ ra những đề phù hợp với học sinh của mình hơn”, ông Hoan nói. Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy phần lớn các ý kiến đều tán thành với dự kiến mở rộng đối tượng được miễn thi vì cho rằng HS giỏi chắc chắn sẽ đậu tốt nghiệp và cho đối tượng này miễn thi sẽ giảm bớt một phần chi phí trong khâu tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, mong muốn của các địa phương là Bộ sớm có những quyết sách rõ ràng để các địa phương không quá bị động trước những thay đổi. Ông Phạm Hữu Hoan cho rằng: Nếu thực hiện đúng 20% HS được miễn thi theo chỉ tiêu tối đa của Bộ GD-ĐT thì Hà Nội ước tính sẽ có khoảng 20.000 HS được miễn thi trong số khoảng 200.000 HS lớp 12 chuẩn tốt nghiệp hằng năm. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Quân, chuyên viên Sở GD-ĐT Thanh Hóa, lo ngại nếu ở mức giỏi thì chắc chắn sẽ rất ít tỉnh có tỷ lệ thực chất đạt tới 20%. Ví dụ, Thanh Hóa năm vừa qua thi tốt nghiệp chỉ có khoảng 7 - 8% thí sinh đạt loại giỏi, nếu tính cả hai loại khá giỏi thì tỷ lệ này của toàn tỉnh là 14,87%. Hệ giáo dục thường xuyên thì hầu như không có. Nên năm nay nếu áp dụng việc miễn thi mà tỷ lệ HS giỏi của đơn vị nào tăng lên đột biến thì cũng phải xem đó là dấu hiệu bất thường và có cách kiểm tra, giám sát. Tuệ nguyễn |
Kết quả đáng suy nghĩ Dù tiến hành khảo sát nhanh và không quá nhiều học sinh (HS) nhưng khảo sát được thực hiện nghiêm túc và kết quả rất đáng để suy nghĩ. Phần phân tích cũng hết sức khoa học thông qua nghiên cứu của chuyên gia.
Ngày 2.1, Bộ GD-ĐT công bố 2 phương án thi và đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ lấy ý kiến rộng rãi và sẽ chọn phương án nào được dư luận đồng tình. Chiều tối 3.1, Báo Thanh Niên tiến hành làm phiếu khảo sát với 10 câu hỏi mong muốn nhận được những phản hồi chính xác từ đối tượng chính: HS đang học lớp 12. Chúng tôi thực hiện 3 ngày khảo sát (ngày 4, 6 và 7.1) ở 5 trường THPT với từng cấp độ khác nhau. Do thực hiện chương trình Tư vấn mùa thi ở 2 trường THPT Long Trường (Q.9) và Nguyễn Văn Linh (Q.8) nên chúng tôi phát phiếu khảo sát cho toàn bộ HS lớp 12 của các trường này. Ngoài ra, chúng tôi khảo sát 2 lớp của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), một lớp Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) và một lớp thường của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5). HS ở 5 trường trên thể hiện các cấp độ khác nhau. Theo thống kê của Báo Thanh Niên, điểm chuẩn vào lớp 10 trong 3 năm học 2011 - 2012, 2012 - 2013 và 2013 - 2014 lần lượt ở các trường này như sau: Trường THPT Bùi Thị Xuân: 37; 39,25; 36,5. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: 37,25; 38,5; 35,75. Trường THPT Nguyễn Văn Linh: 15,5; 19; 16,25. Trong các năm học nói trên, Trường THPT Long Trường đều sử dụng phương thức xét tuyển theo địa bàn cư trú để tuyển HS. Riêng Trường THPT Lê Hồng Phong là trường chuyên nên điểm thi không chung như các trường khác. Từ điểm chuẩn đầu vào cho thấy mặt bằng trình độ HS được xếp theo thứ tự như sau: Trường THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai cùng là 2 trường thuộc tốp đầu của TP.HCM, Long Trường và Nguyễn Văn Linh nằm ở nhóm cuối. Tổng số phiếu chúng tôi nhận lại được là 585, trong đó Trường Long Trường có 262, Nguyễn Văn Linh 202, Bùi Thị Xuân 37, Lê Hồng Phong 36, Nguyễn Thị Minh Khai 48. Sau khi đã có kết quả khảo sát, chúng tôi nhờ thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giúp phân tích số liệu và kết quả khảo sát. THANH NIÊN |
Thanh Niên
>> Thi tốt nghiệp THPT và cộng điểm khuyến khích
>> Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Lo nảy sinh tiêu cực
>> Hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT
>> Công bố dự thảo mới nhất về thi tốt nghiệp THPT
>> Sẽ thay đổi lớn trong thi tốt nghiệp THPT
>> Miễn thi tốt nghiệp THPT
>> Chưa có thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Chấm thẩm định kết quả thi tốt nghiệp THPT
>> Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bình luận (0)