Vỡ đê bao gây ngập nhiều lần
Ngày 14.3 trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nhàn (44 tuổi, ngụ khóm Tân Nhơn, P.Tân Hòa, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) lo lắng cho biết, ông và người nhà vừa lặt hết bông của 144 gốc sầu riêng 4 năm tuổi để cứu cây do đợt ngập nước ngày 12.2 vừa qua."Đây là lần ngập thứ 3 rồi, 2 lần trước đỡ hơn, do người ta đắp đập tạm để làm cống ở cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đập yếu rồi nước lên làm vỡ đập khiến nước chảy vào vườn làm ngập hết hơn 6.000 m2 sầu riêng đang làm trái mùa đầu của nhà tui. Trong đó, có hơn 20 cây đã chết hẳn, ước tổng số tiền đầu tư mấy năm qua khoảng 600 triệu đồng, đang chuẩn bị ăn mùa đầu tiên thì hư hết", ông Nhàn rầu rĩ nói.
Theo ông Nhàn, khu vực này đã được khép kín đê bao, nhiều năm qua chưa từng xảy ra tình trạng ngập nước thế này. Ngày 12.2 vừa qua khi nước ngập, ông đã nhanh chóng báo chính quyền địa phương và được hỗ trợ bơm nước ra, nhưng vẫn không cứu kịp vườn cây. Nước ngập, làm hư toàn bộ cây trong vườn, ông và gia đình đang cố gắng cứu vườn sầu riêng này.
Tương tự, ông Phạm Tấn Ni (65 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết, gia đình ông có 14 công vườn trồng mít thái, gần đến ngày thu hoạch. Do đợt ngập nước ngày 12.2 vừa qua khiến gia đình ông phải hái bỏ khoảng 2 tấn trái. "Nước ngập vô là trái hư hết, lái nó đâu chịu mua, để lại thì hư cây nên phải hái bỏ hết, ai xin thì cho về cho cá, cho heo ăn chứ không làm gì được. Giờ lo dưỡng vườn mít lại không biết mùa sau có ra trái nổi nữa không. Đó giờ ở đây làm gì có ngập nước, họ đắp bờ làm cống mà đắp mỏng quá, bể nước tràn vào hư hết vườn cây của rất nhiều người, nên phải có biện pháp hỗ trợ người dân lại chứ", ông Ni bức xúc.
Sẽ xem nguyên nhân ngập do đâu
Theo UBND P.Tân Hòa (TP.Vĩnh Long), đợt vỡ bờ bao ngày 12.2 vừa qua khiến nước ngập gần 10 ha vườn cây ăn trái, UBND phường đã nhận được 29 đơn của người dân phản ánh tình trạng ngập vườn cây do vỡ đê tạm trên. Trước đó, khu vực đê tạm này đã vỡ 2 lần vào ngày 11 và 12.1 gây ngập vườn cây ăn trái của 11 hộ dân.
Cũng theo lãnh đạo UBND P.Tân Hòa, ngay sau khi tiếp nhận thông tin việc vỡ đê bao vào ngày 12.2, UBND phường liên hệ với Ban QLDA Mỹ Thuận về sự cố trên. Ngày 13.2 đơn vị thi công cho xe cuốc vào phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân gia cố lại bờ.
Ngày 14.2, sau khi gia cố đê bao nước không thoát được ứ đọng trong vườn các hộ dân, UBND phường phối hợp cùng Hội nông dân phường, Ban nhân dân khóm, đơn vị thi công khảo sát, thuê xe cuốc vào khơi dòng chảy đến ngày 15.2 nước rút.
Ngày 29.2 UBND P.Tân Hòa, phối hợp cùng Sở GTVT Vĩnh Long, Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị có liên quan, tiến hành khảo sát thực tế bờ gia cố, đồng thời họp bàn phương án giải quyết những tổn thất cho người dân. Qua cuộc họp, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị thi công chưa thống nhất được phương án giải quyết cho các hộ dân.
Cùng ngày trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về việc thi công cống trên đường gom của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ban đã cử người đến kết hợp với địa phương khảo sát vụ việc. "Ngày mai (15.3 - PV) ban sẽ tiếp tục kết hợp với địa phương đến khảo sát 1 lần nữa xem cụ thể nguyên nhân như thế nào sẽ có phương án tiếp theo", lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận nói.
Thông tin từ UBND P.Tân Hòa (TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long), đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và hai đường dẫn do Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, có 89 hộ dân có nhà bị ảnh nứt, ảnh hưởng bởi công trình. Có 48 hộ dân đã đồng ý nhận tiền và được đền bù với tổng số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng; 26 hộ đồng ý giá đền bù nhưng chưa nhận được tiền và 14 hộ thực hiện kiểm định lần 2 và 1 hộ chưa thống nhất với giá đền bù.
Đối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do Ban QLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, quá trình thi công có 174 hộ có nhà bị rạn, nứt. Sau khi khảo sát, giám định đã có 149 hộ nhận tiền đền bù với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng; 25 hộ chưa báo mức đền bù và 1 hộ yêu cầu giám định lần 2.
Bình luận (0)