Mới đây, Ban Quốc tế T.Ư Đoàn đã công bố danh sách 28 đại biểu xuất sắc sẽ đại diện thanh niên Việt Nam tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2018 (SSEAYP). Cùng nghe những đại biểu thanh niên chia sẻ kinh nghiệm để chinh phục được cuộc thi tuyển chọn mà nhiều người trẻ đều mong ước này.
Thành tích học tập thôi chưa đủ
Ngay sau khi nhận được thông báo đã xuất sắc trở thành 1 trong 28 đại biểu của chuyến tàu năm nay, Nguyễn Hoàng An (25 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM) đã rơi nước mắt khi đây là lần thứ 3 tham gia thi tuyển thì thành công mới mỉm cười với chàng trai này.
Nói về sự quyết tâm chinh phục cuộc thi đến cùng, Hoàng An chia sẻ: “Sự quyết tâm của mình đến từ khao khát được vươn mình ra biển lớn. Ngày ấy, một sinh viên ngành quan hệ quốc tế như mình luôn cảm thấy tù túng khi không có nhiều cơ hội được mở rộng kiến thức và giao lưu với bạn bè ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, mình tìm đến SSEAYP như một cơ hội thực hiện ước mơ đó”.
|
Hoàng An kể, khi còn là sinh viên đã chứng kiến rất nhiều người bạn kháo nhau rằng cuộc đời của họ đã thay đổi từ khi tham gia SSEAYP. Quả thực, từ những con người tự ti, họ đã trở thành những con người trẻ năng động, tự tin trước bạn bè quốc tế, các cơ hội trong cuộc sống. Hơn cả, họ không còn sống vị kỷ mà biết hướng lòng và thực hiện rất nhiều hoạt động độc đáo cho cộng đồng.
Với chàng trai nhiều quyết tâm này: “Khi đạt danh hiệu thủ khoa cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế và nhận bằng khen từ UBND TP.HCM, mình cứ nghĩ thành tích đó và những giấy khen, chứng nhận trong suốt 4 năm đại học chính là một bảo chứng cho vị trí của mình trong top 28. Thế nhưng, mình đã lầm, vì những thành tích học tập thôi chưa đủ. Mình đã trải qua nhiều cuộc tuyển chọn để đại diện Việt Nam tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Thế nhưng, với mình cuộc tranh tài lần này mới thật sự 'khủng khiếp”.
Từng khóc vì kiệt sức
Anh chàng Phan Văn Quyền (23 tuổi, cựu sinh viên Học viện quốc tế FPT TP.HCM) cũng phải trải qua 2 lần thi tuyển mới thành công. Và để có được thành công này, trong suốt 2 năm qua, Quyền đã nỗ lực không ngừng nghỉ ở các chương trình trao đổi và hội nghị quốc tế. “Có như thế mới trang bị cho mình thật nhiều hành trang để thật sự xứng đáng là một trong 28 đại biểu đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam tham gia chương trình đối ngoại thanh niên quốc tế 'bậc nhất' này”, Quyền chia sẻ.
|
Còn Trần Danh Tuyên (25 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền) thì khẳng định SSEAYP là một hành trình rất dài đối với anh chàng này. Bởi lẽ sau 3 lần, với nhiều nỗ lực và cố gắng trau dồi, hoàn thiện bản thân thì may mắn mới mỉm cười với Tuyên.
Tuyên không giấu được cảm xúc, bày tỏ: “Dù tới tháng 10 chuyến tàu mới chính thức khởi hành nhưng ngay lúc này chương trình đã dạy cho mình một bài học, đó là bài học về sự kiên trì, tính bền bỉ và cách sống có mục tiêu, định hướng. Mỗi lần thi tuyển đối với mình là những bài học của tuổi trẻ, của tình yêu thương. Vì từ đó đã giúp mình khám phá được những góc cạnh mới mẻ của bản thân, giúp mình vươn tới những điều mà chính mình đôi khi còn ngờ tới”.
|
Để vượt qua được những thử thách của cuộc tranh tài gây cấn này, Hoàng An khuyên: “Các bạn trẻ muốn tham gia SSEAYP thì nên cập nhật thông tin về các lĩnh vực hằng ngày, quan sát cuộc sống nhiều hơn và trau dồi tư duy phản biện, rèn luyện kỹ năng Anh ngữ để trình bày tốt quan điểm của mình. Ngoài ra, các bạn cần có sức khỏe tốt để có thể ứng biến với mọi tình huống và yêu cầu bất ngờ xảy ra trong chương trình. Quan trọng nhất, các bạn phải có niềm tin và hướng về kết quả để không nản lòng. Mình đã từng ứa nước mắt vì mệt mỏi và kiệt sức trong hành trình này”.
Trau dồi bản thân mỗi ngày
Quyền thì bật mí kinh nghiệm của bản thân: “Hành trang mà Quyền chuẩn bị là sự đầu tư tỉ mỉ và kiên trì để trau truốt cho bộ hồ sơ ứng tuyển, những câu chữ 'sắc bén' trong bài luận, hết mình 'trình diễn' những tài năng và năng khiếu cũng như tinh thần 'thép' cho tuyển chọn hết sức gắt gao. Trước đó, việc ý thức được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội như một công dân trẻ toàn cầu cũng rất quan trọng để Quyền không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và sẵn sàng nắm lấy cơ hội”.
Với Tuyên thì dường như các bạn trẻ phải nắm vững được các kiến thức trên mọi lĩnh vực: “Trong suốt 1 năm qua, mình chuẩn bị kiến thức trên nhiều lĩnh vực cũng như là tình hình Việt Nam và các quốc gia khác. Bởi chương trình cần những đại biểu đại diện cho thanh niên Việt Nam thể hiện trí tuệ và tài năng ở tầm quốc tế và trong khu vực”.
|
“Đầu tiên, bạn phải nhận biết được thế mạnh của bản thân là gì, khả năng đó có thể đóng góp được gì cho các hoạt động của đoàn hành trình. Thông thường, đoàn mỗi năm luôn cần các đại diện có khả năng trong lĩnh vực ngoại giao, y học, kinh tế, văn hóa và các vai trò như lãnh đạo thanh niên, phụ trách truyền thông,…Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng nhất sau chuyến hải trình chính là những chiến dịch, hoạt động cộng đồng. Vì thế, ngoài chuyện trau dồi chuyên môn thì các bạn cùng cần có sự hăng say, kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội,..”, Hoàng An khuyên.
Hiện tại, 3 chàng trai này đều đang rất háo hức để chuẩn bị cho những trải nghiệm “chỉ có một lần” trên chuyến hành trình sắp tới. Và cả ba đều mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bình luận (0)