"Thương từ khi thai nghén trong lòng…"
Trước đó, nhằm dịp 8.3 năm nay, Thành Lê cùng ekip cho ra mắt 2 MV với 2 ca khúc: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) và Khúc hát ru người mẹ trẻ (Phạm Tuyên) để tặng cho những ai đang mơ hoặc được tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, cũng là để hát ru mình và cô con gái bé bỏng của mình - Bào Ngư.
Bởi với Thành Lê, Mẹ yêu con không chỉ là ca khúc "tủ", thích hợp với chất giọng và phong cách dân gian sở trường của cô, mà còn như vận vào đời cô trong câu chuyện làm mẹ đơn thân đong đầy đắng ngọt.
"Bào Ngư đã được hoài thai trong những ngày mà tôi từng phải biết tới một gương mặt khác của tình bạn lẫn tình yêu, theo cách không thể nào ngờ được. Từng có lúc, trong những cơn yếu lòng, rất dễ rơi vào trầm cảm giữa thai kỳ, tôi đã ít nhiều nghĩ quẩn...
Vậy nên, khi Bào Ngư ra đời, mỗi lần ngắm con ngủ, bức tranh hiện ra đúng như trong lời hát: "Miệng con chúm chím xinh xinh, như đài hoa đang hé trên cành", tôi lại thấy thấm thía hơn bao giờ cái cảm giác "thương từ khi thai nghén trong lòng" với câu chuyện làm mẹ "gian khó tính khôn cùng" ấy của mình. Vô số những nỗ lực sau đấy, không gì khác cũng lại chính là động lực từ câu hát ấy: "Tương lai con đẹp lắm…"
MV Mẹ yêu con vừa được ca sĩ Thành Lê phát hành trùng dịp 8.3 năm nay
Tôi đặt tên ở nhà cho con là Bào Ngư, chính là dựa trên những gì tôi biết về loài vật thân mềm vỏ cứng này. Đó là loài có thể sống được ở những vùng nước chảy mạnh, nhờ khả năng bám chặt được vào vách đá. Sau những "tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận" của mình, tôi mong con tôi lớn lên và có được bầu sức mạnh đó, để có thể đứng vững trước những rung lắc, va đập, bằng cả sự cứng cáp lẫn mềm mại…".
"Tuổi thơ của con là gia tài của mẹ"
Và giờ thì Bào Ngư đã lên 6, với đôi mắt đen láy tinh anh cùng mái tóc đen dày hưởng trọn từ mẹ. Trong 6 năm đó, vì con, cô ca sĩ từng ngoạn mục giành được vị trí quán quân giải Sao Mai 2007 - phong cách dân gian (hồi giải này còn giàu sức hút) và quyết liệt "đẻ dày" này (ra liên tiếp 8 album riêng trong vòng 10 năm, đều được làm hết sức chỉn chu) đã quyết định đi chậm hơn và lùi lại một bước để nhường mình cho "sự nghiệp" làm mẹ.
Sinh con ở tuổi 36, khi giấc mơ làm mẹ tưởng đâu khó lòng tiệm cận, lại phải trải qua một thai kỳ không hề dễ dàng, Lê bước vào "nhiệm kỳ thứ nhất" của "sự nghiệp" làm mẹ bằng một tâm thế hy sinh hết mình để bù đắp cho con.
Suốt 6 năm, cô gần như không dám nhận lời đi lưu diễn xa vì không muốn phải xa con. "Bằng vào ký ức tuổi thơ thiếu thốn nơi quê nghèo nhưng luôn ấm nồng tình cảm của mẹ, cha, giờ đây, trong một điều kiện sống tốt hơn nhiều, tôi lại càng muốn mang lại cho con một tuổi thơ đúng nghĩa.
"Hy sinh" ở đây không phải là những chiều chuộng vô lối để làm hư con, mà là dành tối đa thời gian cho con để vừa làm mẹ, vừa làm bạn với con, trò chuyện hàng ngày, đọc sách hàng đêm và uốn nắn cho con từng chút một. Mọi thứ trên đời này đều có thể qua đi: danh vọng, tình yêu, tiền tài, vui thú…, duy tuổi thơ của con là tài sản mà những người làm cha, làm mẹ cần phải bảo toàn mãi mãi, cả khi con đã trưởng thành...
Để truyền được tới con nguồn năng lượng tốt, Thành Lê nói rằng, cô luôn nỗ lực chữa lành những vết thương trong tâm hồn mình. Yêu, được yêu, hợp tan, tan hợp…, sau mỗi "cơn sóng", cách nào để "biển sóng đừng xô", đấy cũng là một điều cần phải học, một khi trái tim chưa đành lòng chai sạn.
Có một điều Bào Ngư không biết là, hàng đêm sau khi cuốn truyện cổ tích dành cho tuổi lên 6 vừa khép trang để đưa cô bé vào giấc ngủ say, đấy là lúc mẹ Bào Ngư lặng lẽ tìm đến những bài nói chuyện giúp dưỡng thương của thầy Thích Minh Niệm.
"Buông bỏ để duy trì phong độ" là bài giảng cô thuộc nằm lòng: "Phong độ của bạn là sự điềm tĩnh, sự thư giãn khi đối đầu với những khó khăn. Phong độ của bạn là sẵn sàng mở lòng ra để lắng nghe, để thấu hiểu, để nâng đỡ những người thân, hay những người sống bên cạnh mình…"
Đã là lúc lòng se lại sau những chợt đến, chợt đi, ấm nồng rồi hoang lạnh. Tết năm nay, nữ ca sĩ Hà Tĩnh mình thương vui niềm vui của một người con đã dốc lòng báo hiếu: một nếp nhà đĩnh đạc, khang trang nơi quê nhà, để làm nơi "đi xa thì muốn về, khổ đau càng muốn về" như trong câu hát năm nao cô từng hát về nơi "chôn rau cắt rốn".
Duy giấc mơ về một "nóc nhà trong truyền thuyết" sau những cơn ấm lạnh khôn lường của tình yêu, tình đời… thì vẫn còn vương vất đâu đây, trong giọng hát ngọt buồn và mặn đắng, cũng chính là ca khúc từng đưa Thành Lê lên vị trí quán quân của giải Sao Mai 15 năm về trước và như thể đã vận vào: "Cho ta thương nhau, vầng trăng không lẻ bạn…/ Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta/ Trăm năm muối mặn gừng cay hỡi người…".
Bình luận (0)