Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Cửu Long tham gia mùa hè xanh năm 2013 - Ảnh: Quang Thái |
Đặc điểm của ngành tài chính - ngân hàng
Tài chính - ngân hàng là một ngành khá rộng, thường đi kèm với kế toán. Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ nên có rất nhiều lĩnh vực chuyên ngành hẹp. Tại Việt Nam, tùy thuộc định hướng của mỗi trường sẽ chọn các chuyên ngành hẹp khác nhau, có thể theo lĩnh vực vĩ mô lẫn vi mô.
Trong lĩnh vực vĩ mô, sinh viên ra trường có thể làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính với nhiệm vụ định hướng chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá cho Chính phủ. Thời gian vừa qua, việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy sẽ có nhiều triển vọng cho sinh viên theo học ngành này.
Về mặt vi mô, có thể chia ngành tài chính - ngân hàng thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Chuyên ngành quan trọng số 1 là tài chính. Hầu hết các khoa tài chính - ngân hàng ở các trường đại học trên thế giới đều có chuyên ngành này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có chuyên ngành tài chính một cách đúng nghĩa mà thay vào đó là chuyên ngành tài chính doanh nghiệp. Chuyên ngành quan trọng số 2 là chuyên ngành ngân hàng, hầu hết các trường đại học trong nước đều đào tạo chuyên ngành này. Bên cạnh chuyên ngành tài chính và ngân hàng còn có nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác như: phân tích tài chính, kinh tế học tài chính…
Những yếu phải có để thành công
Ngành tài chính - ngân hàng đòi hỏi sự sáng tạo và tính năng động. Vì vậy yêu cầu đầu tiên đối với người học ngành này là phải có sự đam mê và thích làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tiền. Niềm đam mê rất quan trọng, có đam mê mới có khả năng sáng tạo. Yêu cầu thứ 2 là tính sáng tạo. Công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà không có tính sáng tạo thì chỉ có thể trở thành nhân viên làm các công việc hết sức đơn giản như thu ngân chẳng hạn. Yếu tố thứ 3 cũng khá là quan trọng là tính năng động. Sinh viên ngoài việc học các kiến thức về tài chính - ngân hàng thì cần phải có các kỹ năng mềm như: giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng… Do đó, nếu có tính năng động thì người học sẽ rất thành công với ngành này.
Cơ hội việc làm
Sinh viên ra trường phù hợp với các vị trí và công việc như: chuyên viên tín dụng ngân hàng; chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại; chuyên viên kinh doanh tiền tệ; chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn; chuyên viên tài trợ thương mại; chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp; chuyên viên định giá tài sản; chuyên viên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp... tại các ngân hàng, quỹ tín dụng và công ty, tập đoàn tài chính, các bộ ngành tương ứng.
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn ẩn chứa nhiều thách thức và tiềm năng, những sinh viên được đào tạo bài bản và chuyên sâu vẫn luôn được cần đến. Vì vậy, trong nhiều năm qua, sinh viên ngành tài chính - ngân hàng đều có việc làm ngay sau khi ra trường, đảm nhận tốt công việc trong môi trường nội bộ và quốc tế. Nhiều sinh viên đã nhanh chóng đảm nhận các vị trí giám đốc, trưởng phòng, trưởng nhóm tại chi nhánh của các ngân hàng, tổ chức tài chính đa quốc gia.
Quang Thái
(Giảng viên Trường ĐH Cửu Long)
Trường Đại Học Cửu Long
Quốc lộ 1A, xã Phú Quới, H.Long Hồ, Vĩnh Long
ĐT: 0703 821.655 - 831.155
www.mku.edu.vn phối hợp với Báo Thanh Niên thực hiện chuyên mục này.
Bình luận (0)