Sống dở, chết dở với việc thiếu vốn từ đầu năm đến nay nhưng đến lúc này, khi cánh cửa vay vốn ngân hàng đã mở rộng hơn thì nhiều doanh nghiệp bất động sản lại lưỡng lự trước việc có nên vay vốn ngân hàng hay không. Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM phân tích, sau gần 1 năm, giá căn hộ, đất nền dự án sụt giảm tới 50% - 60%. Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm này sẽ kích thích nhu cầu thị trường. Tuy nhiên thực tế đã không như mong muốn khi thị phần căn hộ và đất nền dự án vẫn rơi vào tình trạng đóng băng. Giao dịch thành công khá hiếm hoi và đẩy nhiều dự án rơi vào tình trạng ế ẩm, chủ đầu tư không thể thu hồi vốn. Chính vì vậy, mặc dù có thể vay vốn dễ dàng với lãi suất dễ chịu hơn, chỉ khoảng 16%/năm (so với mức trần 18%) do mối quan hệ thân thiết với ngân hàng nhưng vị giám đốc trên vẫn quyết định tiếp tục "án binh bất động", không đầu tư thêm. "Hàng trăm dự án căn hộ, đất nền đang ế chỏng ế trơ, mình đầu tư không bán được thì tiền đâu mà trả lãi ngân hàng" - ông nói.
Đây cũng chính là tâm trạng của nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện nay. Một lý do quan trọng nữa khiến các doanh nghiệp bất động sản dù khát vốn cũng không dám vay là nợ cũ còn chồng chất, trong đó không ít khoản nợ chuẩn bị đến thời hạn điều chỉnh lãi suất mới vào dịp cuối năm nay (hầu hết các hợp đồng vay vốn bất động sản có thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm). Vì vậy, nếu vay thêm sẽ không đủ sức để gồng gánh bởi dù mức trần lãi suất cho vay đã giảm, nhưng mức 18% hiện nay vẫn rất cao. Trên thực tế, vốn tự có của doanh nghiệp ở hầu hết các dự án chỉ khoảng 20% - 30%, gần 80% vốn còn lại là phải đi vay các ngân hàng nên việc các doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng vừa chồng chất nợ nần, vừa khát vốn cũng là điều dễ hiểu. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận xét, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cho vay các dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả lãi là một tín hiệu tốt cho thị trường. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay vẫn quá cao và chỉ có doanh nghiệp nào thực sự bức thiết về vốn mới dám vay bởi trong thời gian qua, không ít chủ đầu tư phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hơn rất nhiều.
Cũng đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc ACB (ACBR) cho rằng, lãi suất vay dù đã giảm nhưng vẫn cao và không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng với các hợp đồng vay vốn bất động sản. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc cũng đang khó khăn về việc góp vốn đầu tư dự án. "Hầu hết dự án đều chia thành nhiều đợt thanh toán. Đầu tiên là góp 20%/tổng giá trị bất động sản. Nhưng người mua cũng đang khó khăn nên việc tiếp tục thanh toán là không thể nên chủ đầu tư cũng gặp khó khăn" - ông Hải phân tích. Đó là chưa kể đến việc, không ít chủ đầu tư huy động vốn rồi lại đi mua đất đai dự trữ chứ chưa đổ vào dự án như đã cam kết. Đó là lý do hàng loạt dự án dù đã thu tiền đợt 1 của khách hàng nhưng cả năm qua vẫn không thấy khởi công.
Khó khăn vẫn tiếp diễn và được dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2009. Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng đang giảm mạnh cũng tạo cơ hội cho các chủ đầu tư chuẩn bị "hàng" đón đầu thị trường, được dự báo sẽ tan băng vào cuối năm sau.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)