Khát vọng sống và yêu - Kỳ 2: Thư nhà của lính

03/06/2012 03:50 GMT+7

Nhật ký Bùi Kim Đỉnh không chỉ gồm những trang nóng bỏng, lãng mạn do anh viết ra mà anh còn chép lại những bức thư của gia đình, bè bạn chứa đựng thông tin chân thực về cuộc sống ở quê anh thời chiến...

>> Kỳ 1: Những giấc mơ hoa và chiến trường đỏ lửa

Anh nhắc nhiều đến “thành phố ngã ba sông” Việt Trì (Phú Thọ) trong nhật ký của mình với hình ảnh ngôi nhà quen thuộc mà ở đó thuở nhỏ anh đã nghe bà, cha kể chuyện: “Mẹ và các em tôi nữa, tôi nhớ rất rõ, tôi nhớ rất lâu. Tôi nhớ từng cách sinh hoạt, nếp sống của gia đình. Bây giờ đây đối với tôi, tôi thấy thêm những ký ức xa xưa. Có những đêm tôi muốn khóc” (17.8.1964). Có những lúc không nhận được thư, nỗi buồn và nỗi nhớ dâng cao: “Sao lâu thế không nhận được thư, những người ruột thịt? Hôm nay ta cảm thấy mong thư quá! Mong những tin của quê hương... mong thư của Thanh nữa... Ta mong thư em như mong nước uống. Vậy mà em vẫn cứ lặng thinh” (13.10.1971).

Bìa cuốn nhật ký Khát vọng sống và yêu
Bìa cuốn nhật ký Khát vọng sống và yêu do Vũ Tuấn thiết kế

Những năm Mỹ ném bom bắn phá ác liệt miền Bắc, những bức thư nhận từ quê nhà được anh chép lại cẩn thận, như đoạn thư của bố anh là ông Bùi Văn Vưu (nay đã 85 tuổi) chứa đựng những chi tiết về tình cảnh xã hội thời ấy: “Hợp tác dạo này thu hoạch thất bát. Một phần vì bị bom đạn Mỹ phá hoại... Gia đình ta được chia vào loại khá mà cũng chỉ được 450 kg thóc. Hợp tác xã điều hòa, ưu tiên bán cho 100% được mua thêm 120 kg. Tính bình quân mỗi khẩu được 9 kg thóc/tháng. Đây là mức đủ, còn thì chỉ 7 kg đến 8 kg một tháng một người. Kể cũng nguy đấy nhưng nhà mình vẫn bình thường vì thời gian trước thầy bán cặp bò nên vẫn dành tiền mua thêm gạo và màu để ăn kèm và bán cây trám to ở đầu nhà bà Chinh cho hợp tác lấy tiền đong thêm (gạo). Còn về quê hương thì giặc Mỹ ném rất nhiều bom bi. Nhà bà Sậu bị cháy... gia đình cô Nụ cũng bị bom thiêu cháy cả” (13.12.1966).

 

Thư gửi người đã khuất

Mỗi lần nhận được thư anh, cả nhà đều quây quần nghe bố đọc thư. Qua thư anh, em còn nhớ y nguyên những dòng tâm tư, lời động viên, thăm hỏi của anh tới bà nội, bà ngoại, thầy, mẹ, các cô dì chú bác cùng anh em nội ngoại và bà con lối xóm. Lá thư cuối gia đình nhận được từ chiến trường gửi về là thư của anh Quynh báo tin anh đã hy sinh. Khi đó, cả nhà đang ở dưới hầm trú ẩn cạnh gốc nhãn gần chuồng trâu nhà bà Chi Hựng. Bố đọc thư nghẹn ngào, phải dừng lại nhiều lần bởi tiếng khóc nức nở của bà, của mẹ và của chúng em (...). Em xin phép bố và gia đình cho phổ biến bộ nhật ký này nhân dịp 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị và cũng là lần giỗ thứ 40 của anh. Cầu nguyện linh hồn anh được siêu thoát. 

Bùi Hùng Tuấn
(Em trai út của Bùi Kim Đỉnh - Thư in trên bản thảo Khát vọng sống và yêu)

Một bức thư khác của người bạn cùng quê, cùng trường với Bùi Kim Đỉnh là anh Điền viết về một ngày sống dưới tầm đạn bom của không quân Mỹ: “Vừa qua, địch bắn phá quê mình rất dữ dội Đỉnh ạ. Hôm 1.11.1966, lúc 3 giờ 10 phút chiều chúng cho 23 chiếc máy bay đến bắn phá Bạch Hạc. Đợt 1, chúng đã bắn trúng 9 chỗ, làm 3 người bị thương, 2 người chết. Lúc này, Điền đang chỉ huy tự vệ cứu hỏa và cứu người bị nạn thì chúng lại ập tới đánh liên tiếp hai đợt nữa. Bom phá, bom bi nổ quanh người. Khói mù mịt. Điền không còn thấy gì nữa. Điền tưởng những người cứu hỏa cùng mình đã hy sinh”. Nhưng sau tỉnh dậy giữa đám khói bụi mù mịt Điền mới biết đội tự vệ vẫn còn sống, đêm ấy không ai ngủ hết, họ thức đến sáng để cấp cứu 22 người bị thương, chôn cất 10 dân thường bị chết, tìm kiếm 3 người khác bị bom vùi mất tích, giúp đỡ người của 13 ngôi nhà bị cháy dời đến nơi ở tạm. Công việc chưa xong, vừa đến 9 giờ 30 phút hôm sau 2.11, máy bay Mỹ lại đến đánh nữa, làm mất tích thêm 2 công nhân cầu đường và hư hại một số công trình. Trên mảnh đất bé nhỏ không đầy một cây số vuông mà chỉ trong mấy ngày Mỹ đã ném tới 4.000 bom bi và 23 bom phá hoại lớn, thư của Điền kết lại: “Thế đấy! Đời của mình bây giờ là chiến đấu. Hằng ngày, hằng giờ chiến đấu với máy bay Mỹ để bảo vệ sản xuất với cái nghĩa đơn giản là “kiếm tiền” và cái nghĩa vĩ đại là “xây dựng”.

Trong một chuyến về phép thăm nhà, Bùi Kim Đỉnh ghi vào nhật ký những điều mắt thấy tai nghe về nhà máy có tiếng như nhà máy điện, giấy, hóa chất bị bom Mỹ đánh sụp, những đoạn đường nhựa bị bom cày lên ngổn ngang, lỗ chỗ, nhiều ngôi nhà ba tầng mới xây bị san bằng: “Ôi! Quê hương mình giờ đây bị tàn phá ghê gớm quá! (...) còn đâu nữa mà mở cửa sổ xanh để hướng gió bốn phương? Còn đâu nữa những ngôi nhà đồ sộ? (...) Đến khu nhà ga, người ta sẽ khó lòng tìm được một đoạn móng tường nguyên vẹn, hay một kỷ niệm gì quen thuộc quanh đó. Cầu Việt Trì dài bốn nhịp lại bị chúi xuống dòng sông nước cuồn cuộn chảy...” (16.3.1967).

Đến tháng 10.1971, ở một góc trời xa, Bùi Kim Đỉnh viết: “Đêm qua, ngày rằm tháng tám, cái ngày vui vẻ của lứa tuổi thơ còn in đậm đà trong trí não ta thì bây giờ ta lại cảm thấy lòng mình man mác. Nó ngỡ ngàng và dường như là xa lạ. Ta ngồi lặng đi vì nhớ! Nhớ da diết! Song ở trong não vẫn có những cái lộn xộn sao ấy? Thật không có cái gì là vĩnh cửu cả. Các sự việc cứ bộn bề trong vỏ não. Ta sẽ có một ngày về qua nhà”. Nhưng anh không có được ngày về như mong ước. Vì anh đã ngã xuống sau một loạt bom Mỹ bên bờ sông Ba Lòng khi cùng đơn vị chuẩn bị vượt sông vào trưa 4.6.1972. Chức vụ khi hy sinh của anh là trung úy Chính trị viên tiểu đoàn, Trợ lý tác huấn Trung đoàn pháo binh 58 Sư đoàn 308 anh hùng. Mộ anh hiện mang số 266, khu mộ tỉnh Vĩnh Phú, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường số 9.

Giao Hưởng

>> Đọc sách cùng con
>> Nguyễn Nhật Ánh mang “hai con mèo” ra công viên
>> Sách hè cho thiếu nhi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.