Khẩu chiến nóng bỏng trước thềm phán quyết về vụ kiện Biển Đông

09/06/2016 12:04 GMT+7

Khẩu chiến giữa Trung Quốc và một loạt nước chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông đang lên tới đỉnh điểm trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc .

" Bằng cách đơn phương ra tòa, Philippines đã đóng sập cánh cửa giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách thích đáng thông qua thương lượng với Trung Quốc ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố hôm 8.6. Ông Hồng cũng lặp lại luận điệu cũ là không tham gia vào vụ kiện và cũng không chấp nhận phán quyết của tòa, đồng thời kêu gọi Philippines rút lại vụ kiện.
Bất chấp sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, ông Hồng cũng lại một nữa tuyên bố Trung Quốc sẽ "bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển trên vùng biển tranh chấp" (?).
Thêm vào đó, dù Trung Quốc đang đơn phương dùng sức mạnh của mình để bồi đắp, xây dựng, chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này một lần nữa trắng trợn tuyên bố rằng Trung Quốc chỉ giải quyết các tranh chấp với Philippines thông qua thương lượng song phương "dựa trên cơ sở lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế".
Philippines tới nay vẫn cương quyết theo đuổi vụ kiện tại PCA. Dự kiến PCA sắp đưa ra phán quyết về vụ này - sẽ là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Bên cạnh đó, một loạt nước khác, trong đó có Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry mới hôm 7.6 vừa qua tái khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ ủng hộ việc thực thi pháp luật và "quan ngại về bất kỳ hành động đơn phương nào do bất kỳ bên nào gây ra nhằm làm thay đổi hiện trạng".
Trong khi cả thế giới bất bình vì hàng loạt hành động chiếm đóng, xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Hồng Lỗi vẫn trắng trợn tuyên bố rằng Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp "phù hợp với luật pháp quốc tế" AFP
Báo Nikkei Asian Review ngày 9.6 cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani mới đây cũng tuyên bố hành động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông là "mối đe dọa cho trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế".
Các ngoại trưởng ASEAN trước đó cũng đã tuyên bố "đặc biệt quan ngại về các diễn biến gần đây và đang xảy ra trên Biển Đông..., tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, sự ổn định và tự do hàng hải" trong khu vực.
Cho tới nay, hầu hết nhận định của các chuyên gia quốc tế về vụ kiện của Philippines đều cho rằng nước này sẽ thắng kiện, đồng nghĩa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Phán quyết của PCA sẽ không có hiệu lực bắt buộc thi hành, có nghĩa sẽ không thể bắt buộc Trung Quốc trả lại hiện trạng Biển Đông như trước hay phải nộp phạt.
Đã có nhiều nhận định cho rằng Trung Quốc có thể đã chuẩn bị cho kế hoạch tăng cường sự hung hăng, "làm tới" trên Biển Đông để phản ứng lại phán quyết bất lợi của PCA. Tuy nhiên, một khi cộng đồng quốc tế đoàn kết dựa trên cơ sở tôn trọng các quyết định quốc tế hợp pháp, hành động hung hăng trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ chỉ khiến nước này bị cô lập, theo nhận định của báo Nikkei Asian Review.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.