Khen thưởng và kỷ luật con đúng cách - Thách thức của phụ huynh Việt

28/06/2022 09:00 GMT+7

Kỷ luật là điều kiện cơ bản để hình thành những tính cách tốt cho trẻ, và khen thưởng cũng vậy. Hãy cùng tham khảo chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A để áp dụng một cách khéo léo và cân bằng hai phương thức giáo dục này khi nuôi dạy con trẻ nhé.

Cha mẹ có đang mắc những sai lầm nuôi dạy con thường gặp nhất?

Nuôi dạy con là một kỹ năng mà phụ huynh cần phải học nếu muốn hái “quả ngọt”. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ Việt vẫn chưa có phương pháp khen thưởng và kỷ luật trẻ hiệu quả, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm lý trẻ và mối quan hệ giữa con và cha mẹ.

Tiến sĩ (TS) Tâm lý học Tô Nhi A - Giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho biết một trong những sai lầm phổ biến của phụ huynh Việt là áp dụng một cách máy móc đúc kết của người xưa. Chẳng hạn như quan niệm “thương cho roi cho vọt”, nhiều người viện đến bạo lực với suy nghĩ uốn nắn trẻ nên người. Trong nhiều trường hợp, “roi vọt” đôi khi không chỉ là đòn đau thể xác mà còn đến từ lời nói, hay áp lực tâm lý. Dù vô tình hay cố ý, ngôn từ nặng nề, có tính sát thương đều dẫn đến những vết sẹo tâm lý gây ám ảnh dài lâu.

Một quan niệm cũng hay bị hiểu sai là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. TS Tô Nhi A lý giải: “Khi sự hy sinh trở nên thái quá, biến thành tận hiến, phục vụ, trẻ nghiễm nhiên được nuông chiều, bảo bọc quá mức”. Khi cha mẹ đứng ra làm thay con mọi việc lớn nhỏ, trẻ sẽ bị hạn chế tính độc lập, bị tước đi nhiều cơ hội trải nghiệm, va chạm để trưởng thành.

Ở chiều ngược lại, áp đặt con làm mọi việc theo ý mình cũng là một lỗi sai. TS. Tô Nhi A phân tích: “Thương con là vì con, nghĩa là tôn trọng trẻ để thừa nhận và chấp nhận các đặc điểm ở trẻ. Trên cơ sở của sự giao tiếp công bằng, phụ huynh sẽ phát hiện ra mong muốn, khả năng, nỗi sợ của trẻ là gì”. Khi đặt lên vai trẻ những ước mơ dang dở của cha mẹ mà không nhìn nhận xem chúng có thích hợp hay không, phụ huynh đang “ích kỷ vì bắt đứa trẻ phải sử dụng cuộc đời cho mong muốn của người khác thay vì của chính bản thân mình”.

Khen thưởng và kỷ luật cần có kỹ thuật!

Một khía cạnh mang tính chất quyết định trong quá trình giáo dục con nên người là khen thưởng và kỷ luật. Thực tế, cả hai hành động này đều không dễ dàng như đa số phụ huynh nghĩ.

“Lời khen đi kèm với nhiều hệ quả nếu những lời khen ấy chung chung, vô thưởng vô phạt” TS. Tô Nhi A khẳng định. Lời khen của phụ huynh cần rõ ràng, cụ thể, từ ngữ chân thực, chẳng hạn như “hôm nay con viết chữ ngay ngắn hơn hôm qua”, “tối nay con xếp chén bát gọn gàng hơn tối qua”.

Cha mẹ cũng cần chú ý tách bạch khen và thưởng. Khi lời khen nào cũng đi đôi với thưởng, trẻ dễ có xu hướng “nếu không được món kia, mình không cần làm” thay vì hiểu đây là việc cần làm để tốt cho bản thân. Theo TS. Tô Nhi A, thưởng phải thực sự thỏa đáng với nỗ lực của trẻ, có nhiều kỹ năng cơ bản cần khen nhưng không nhất thiết phải thưởng, ví dụ như lễ phép, đúng giờ, vệ sinh.

Tương tự, kỷ luật đúng cách cũng cần có sự rõ ràng. “Một thói quen rất hay gặp là cha mẹ chỉ đưa ra lỗi và kết luận chung chung như “con sai rồi, bây giờ con bị phạt”. Nhưng con đã sai như thế nào và cái sai này con đã được thông báo trước đó chưa?”, TS. Tô Nhi A đặt vấn đề.

Đồng thời, cha mẹ nên chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng cách hình dung trước những tình huống trẻ phạm lỗi ngay khi con còn chưa vấp phải để cùng trẻ thảo luận và có nhận thức tốt hơn. Hãy cho trẻ cơ hội giải trình lỗi lầm, bởi nếu trẻ không cảm thấy an toàn để giãi bày, trẻ ắt sẽ sa lầy vào tính xấu khác là nói dối và chối bỏ trách nhiệm. “Kỷ luật đúng là khi trẻ nhận ra được mình sai ở đâu và biết cần làm gì để sửa sai. Ngoài ra, trong quá trình nhận ra lỗi sai và khắc phục, trẻ không bị tấn công thể chất hay có những nỗi sợ hãi về mặt tinh thần kéo dài”, TS. Tô Nhi A kết luận.

Sức khỏe tinh thần – nền tảng không thể thiếu cho hạnh phúc của con

Thương con cho đúng, phạt con cho “trúng” cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi ba mẹ phải dành nhiều thời gian bên con, thấu hiểu con, trò chuyện cùng con. Hiểu được tâm tư của bậc phụ huynh, nhân tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam 28.06, ba nhãn hàng Wall's, OMO và Lifebuoy thuộc công ty Unilever Việt Nam đã cùng chung tay tổ chức chiến dịch “Gieo yêu thương, Ươm mầm hạnh phúc”. Cùng sự hỗ trợ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các chuyên gia tâm lý hàng đầu, chiến dịch mong muốn mang đến cho phụ huynh những cái nhìn đúng đắn về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con.

Trong chiến dịch này, ba nhãn hàng phối hợp thực hiện Từ điển mini “Ươm mầm hạnh phúc”, mô phỏng các tình huống phổ biến mà phụ huynh thường cư xử chưa khéo léo và gợi ý các cách gieo yêu thương cho con. Ngoài ra, ba nhãn hàng cùng Zing News thực hiện series podcast lắng nghe chuyên gia tâm lý chia sẻ về vấn đề sức khỏe tinh thần ở trẻ và các thực hành giúp phụ huynh nuôi dạy con hạnh phúc. Chiến dịch phối hợp với VTV3 mang đến tập phát sóng đặc biệt “Nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc” trên chương trình “Vui sống mỗi ngày” cùng sự góp mặt của diễn viên Tú Vi và Văn Anh. Qua chiến dịch, hơn 6.000 phần quà thiết thực được trao đến trẻ em khó khăn trên khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.