Truy quyét các đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến trái phép
Trước hết, một trong những sự kiện làm rúng động thị trường game Việt trong năm 2013 chính là việc Bộ Công an truy quyét các đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến trái phép ở nước ta.
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý trò chơi trực tuyến”, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, phía thanh tra Bộ TT&TT kiểm tra 14 doanh nghiệp (DN) trong nước và thật bất ngờ khi cả 14 DN này đều vi phạm quy định pháp luật khi có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản (tức là game không phép) với số tiền phạt lên tới 577 triệu đồng, bên cạnh đó có 2 DN còn bị khởi tố hình sự.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong lĩnh vực nội dung số
Tính đến thời điểm tháng 7.2013, tổng số game online đã được cấp phép ở nước ta là 117 trò chơi. Trong đó, đã có 44 trò chơi ngừng hoạt động. Như vậy lúc này trên thị trường game có đến 200 game chưa được cấp phép vẫn hoạt động.
Nghị định 72/2013/NĐ được ban hành
Trên thực tế, việc dừng cấp phép game trong một thời gian dài vừa qua rất nhiều khó khăn cho DN. Nhiều DN kinh doanh game có nguy cơ “thua trên sân nhà” trước sức ép của các DN nước ngoài.
Một trong những sự kiện đánh dấu bước phát triển mang tính chất bước ngoặc của thị trường game Việt và được nhiều doanh nghiệp ủng hộ chính là Nghị định 72/2013/NĐ: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9.2013. Với chính sách quản lý mới về game online chính thức có hiệu lực có ý nghĩa tích cực trong sự phát triển của thị trường game.
Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến" diễn ra sáng 3.7.2013 (Ảnh: Vietnamnet)
Bên cạnh đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động phát hành game online ở nước ta, nhất là trước tình hình nhiều DN kinh doanh game nước ngoài đang hoạt động trái phép, thanh tra Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet chặn tất cả các tên miền và máy chủ truy cập truy cập đến 4 game online của Công ty TNHH Koram Games (Hồng Kông) do chưa được cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp phép. Tiếp nối đợt thanh tra, các cổng game như Myw.vn hay Gấu Bay (gaubay.com) cũng đã chính thức ngừng hoạt động ở nước ta.
Nhiều “gương mặt” mới xuất hiện
Bản thân thị trường game Việt xuất hiện nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc xuất hiện các gương mặt mới tham gia vào lĩnh vực phát hành game như Vnpay, Vật Gía, Venus Fashion, Vivoo, CMN, MeCorp… tạo “luồng gió mới” cho thị trường game phát triển.
Hàng loạt game hay trên thị trường đồng loạt ra mắt đã khiến game thủ mừng thấy rõ. Đó chính là những cái tên: Võ lâm truyền kỳ phiên bản 3D, Cửu âm chân kinh, Tinh thần biến, Độc cô cầu bại, Tiếu ngạo giang hồ...
Bên cạnh những cái tên đình đám trên thị trường lâu nay, các nhà phát hành (NPH) game khác cũng góp phần làm sôi động thị trường game Việt với những cái tên như Thiện nữ u hồn, Ngạo kiếm vô song, Huyền thoại anh hùng, Nhai cơ tam quốc, Fever mix…
Sát thát truyền kỳ, game thuần Việt của Emobi đang nhận được sự kỳ vọng cao của cộng đồng
Tuy vậy, cũng trong năm nay thị trường game Việt vẫn còn một số tồn tại.
Một trong số đó là việc hàng loạt game buộc phải dừng hoạt động trên thị trường do tình trạng vắng khách. Tình trạng “nhập siêu” khi các game trên thị trường Việt Nam chủ yếu là có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Việc xây dựng game thuần Việt vẫn gặp một số trở ngại khi các nhà sản xuất Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này vẫn còn khá ít.
Thủy hử truyền kỳ phải đóng cửa ngày 20.3
Năm 2014 hứa hẹn là một năm phát triển sôi động của thị trường game trong nước khi chúng ta đã có một nghị định quản lý rõ ràng và sự tham gia của nhiều nhà phát hành mới. Đồng thời, chúng ta có quyền hy vọng về một thị trường game thuần Việt phát triển khi các nhà sản xuất game bắt đầu đầu tư và chú ý vào việc phát triển của dòng game này. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích cho việc xây dựng game mang bản sắc dân tộc Việt.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, thị trường game sẽ có những bước phát triển bền vững dựa trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bình luận (0)