Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc

08/03/2024 13:02 GMT+7

Tết hay những ngày lễ, vui chơi, 8.3 là cơ hội để mọi người chưng diện trang phục xuống phố. Năm mới Giáp Thìn đã phản ánh một nét văn hóa thời trang mà xã hội đã bắt đầu quay về với phong cách y phục dân tộc khi nam, nữ mặc áo dài khắp nơi.

Y phục truyền thống là trang phục mang nét đặc trưng của một quốc gia. Áo dài Việt - cả nam và nữ - là dấu ấn đậm nét văn hóa Việt phục. Lịch sử dân tộc đã chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nền văn minh Hoa Hạ; tiếp theo đó là sự tác động của các trào lưu phương Tây trong quá trình tiếp biến văn hóa.

Dẫu vậy, chiếc áo dài Việt Nam vẫn giữ được cốt cách của một hình thái "quốc phục" (dù chưa được công nhận) với "hệ miễn dịch" đặc hữu trước xu thế văn hóa hội nhập, ngoại lai.

Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc- Ảnh 1.

Người dân mặc áo dài đi chùa dịp tết

Tuệ Đạt

Đã có những khoảng thời gian, tưởng chừng như áo dài Việt chỉ còn tồn tại trong không gian nghệ thuật như ông đồ cho chữ, anh hát quan họ, hay cô đầu hát ca trù. Hiếm lắm mới có một vài ông bà già ở vùng quê mặc áo dài khi gia đình có hiếu hỷ, đình làng có hội hoặc đi chùa lễ Phật.

Ấy thế, chiếc áo dài Việt Nam đã có một sức sống mãnh liệt trước những thách thức của thời trang Âu phục; vượt qua những kiểu mẫu luôn đổi mới của đương đại. Đó là nhờ cốt cách của chiếc áo, xưa mà vẫn thể hiện tính đại chúng, cũ mà vẫn thích nghi với thời trang.

Chính chiếc áo dài đã tạo nên sự dịu dàng, thanh lịch của người phụ nữ; toát lên phong thái đỉnh đạt, nghiêm cẩn của quý ông. Tính tiện lợi của nó là dễ dàng cho người mặc trong sinh hoạt thường nhật, dù là dự lễ hội, giao tiếp hay làm việc…

Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc- Ảnh 2.

Nam, nữ đều có thể mặc được áo dài

Tuệ Đạt

Tiêu chí khá thoáng của áo dài Việt là giữ chuẩn mực mẫu mã chứ không chú trọng sắc màu. Cố nhiên, chiếc áo dài của quý ông xưa kia chủ yếu là màu trắng hoặc đen, trong khi áo tứ thân, ngũ thân với yếm đào (tiền thân của áo dài phụ nữ ngày nay) thì được phép nhiều màu. Nhờ vậy mà chiếc áo đã tạo được nhiều dáng vẻ cho người mặc.

Tại sao gọi là áo dài? Chỉ đơn giản thân áo phải may dài quá gối nên gọi là áo dài. Tại sao phải dài quá gối? Đó là chuẩn mực đạo đức theo quan niệm của ông cha. Nội tôi là một người khá nghiêm về lễ giáo. Một lần mấy cô của tôi đi chợ mặc áo ngắn, bà chỉ nói: "Con cún còn có cái đuôi các con ạ!". Trang phục là để che thân, để làm đẹp nhưng cũng nói lên nhân cách, lối sống của con người: "Tướng tùng tâm hiện".

Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc- Ảnh 3.

Áo dài nơi công sở trong dịp kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

Ảnh: Nhật Thịnh

Năm 2000, sang Hàn Quốc, trong một chiều tối, chúng tôi bắt gặp quán cơm mang tên "Áo Dài" ngay tại thủ đô Seoul. Bước vào, dù gặp gỡ lần đầu, bà chủ mừng rỡ chắp tay vái chào rồi xin phép được… bắt tay để được truyền hơi ấm tình quê.

Bà nói: "Sao quý thầy biết quán này mà đến?". Chúng tôi trả lời: "Đơn giản là hai chữ "Áo Dài" đã mời gọi chúng tôi". Chỉ là tên của quán ăn đã làm sáng ngời văn hóa Việt nơi xứ người. Không có "Áo Dài", có lẽ chúng tôi không thể nào nhận diện được đây là quán ẩm thực Việt Nam.

Câu chuyện ngỡ như chuyện vặt nhưng chính văn hóa thời trang đã gián tiếp "giới thiệu" thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc giữa xứ kim chi.

Là người thành lập nhiều chùa ở châu Âu và thường xuyên đi về để chăm sóc đời sống tâm linh cho bà con đồng hương, tôi cảm nhận người Việt đã nâng niu, trân quý "dáng quê" qua chiếc áo dài Việt đến mức nào.

Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc- Ảnh 4.

Hãy khoác lên mình chiếc áo truyền thống với niềm tự hào là người gìn giữ, nhân rộng di sản văn hóa dân tộc

Tuệ Đạt

Mỗi khi chùa có lễ, những người bạn nước ngoài đến dự, họ luôn hướng mắt đến những chiếc áo dài thướt tha dáng Việt. Họ xin được chụp ảnh với các bé mặc chiếc áo dài khăn đóng như muốn bày tỏ sự tôn vinh, ngưỡng mộ nét văn hóa Việt. Không ít lần, tu viện Khánh An tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho những đôi bạn trẻ chồng Tây vợ Việt, chú rể xúng xính với chiếc áo dài khăn đóng trên người, hớn hở ra mặt khiến quan viên hai họ đều mừng vui.

Chiếc áo dài phụ nữ đã được sử dụng gần như phổ biến từ trường học vào đến sân bay, từ công sở ra đến phố thị; trong khi chiếc áo dài nam thì xuất hiện khiêm tốn. Mong sao, chiếc áo dài nam truyền thống xuất hiện nhiều hơn nơi phố thị.

Hãy khoác lên mình chiếc áo truyền thống với niềm tự hào là người gìn giữ, nhân rộng di sản văn hóa dân tộc. Không nhất thiết phải sử dụng áo vào ngày thường nhưng ít nhất là nên khoác lên mình vẻ đẹp truyền thống vào ngày tết, ngày giỗ tổ Hùng Vương, ngày thống nhất (30.4) hay là ngày Quốc khánh (2.9).

Khi áo dài 'phủ sóng': Dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa tạo nên quốc hồn dân tộc- Ảnh 5.

Phụ nữ thướt tha trong tà áo dài

Nhật Thịnh

Nhìn những bậc tiền bối mặc áo dài khăn đóng xưa, tôi cảm nhận cả không gian như toát lên hồn thiêng đất Việt. Ngày xưa, "áo dài khăn đóng" được xem là phần thưởng cao quý cho những ai được vua ban.

Cần có chính sách khuyến khích, vận động nhân dân, nhất là quý ông mặc áo dài truyền thống. Tôi tin đất nước sẽ có một ngày gọi là "Ngày văn hóa y phục Việt Nam" để duy trì, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa y phục dân tộc.

Văn hóa được xem là toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống xã hội từ ngôn ngữ, chữ viết cho đến phong tục, tập quán; từ hội họa, kiến trúc cho đến tư tưởng, tôn giáo… trong đó có văn hóa thời trang do con người sáng tạo trong tiến trình lịch sử. Việt Nam có nền văn hóa đặc trưng, tạo nên sự khác biệt trên bản đồ văn hóa thế giới. Thời trang áo dài như một dấu nhấn trong hệ giá trị văn hóa dân tộc góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn hóa Lạc Hồng.

Chính truyền thống văn hóa là giá trị tinh thần đặc biệt, do lịch sử đúc kết, định hình cho văn minh quốc gia. Đó là quốc hồn dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.