Người Việt vốn coi trọng sự khởi đầu với niềm tin rằng "đầu xuôi đuôi lọt" nên ngày đầu năm hay điều gì bắt đầu rất được coi trọng; và rằm tháng giêng - ngày rằm đầu tiên của năm mới cũng vậy.
Vào ngày này, Phật tử, đông đảo mọi người hay đến chùa cầu một năm mới bình an, suôn sẻ cho đại gia đình, mọi người xung quanh.
Rằm tháng giêng có ý nghĩa gì?
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết người Việt trước đây sóng phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống gắn liền với trời, đất và nước. Vì vậy, người dân coi trọng 3 ngày: rằm tháng giêng - thiên quan tấn phước, rằm tháng bảy - địa quan xá tội và rằm tháng 10 - thủy quan giải ách.
Theo đó, rằm tháng giêng là rằm đầu tiên của năm mới. Vào dịp này, người dân thường cúng đầu năm để mong một năm mới với nhiều điều may mắn, phước lành, mưa thuận gió hòa.
"Người Việt xưa gắn với nông nghiệp nên mưa thuận gió hòa rất quan trọng, người Việt lại coi trọng cái ban đầu, quan niệm rằng "đầu xuôi đuôi lọt" nên thường câu nói Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng được lưu truyền", TS Dương Hoàng Lộc giải thích.
Rằm tháng giêng cũng là ngày Tết Nguyên tiêu của người Hoa. Tại khu Chợ Lớn tại TP.HCM, người dân có thể thấy nhiều gia đình người Hoa chuẩn bị bánh tổ, treo đèn lồng đỏ, múa lân sư rồng và ăn Tết Nguyên tiêu lớn.
Do vậy, nhiều người dân TP.HCM khá gần gũi với các hoạt động như: biểu diễn tuồng cổ, lân sư rồng, lễ nghinh ông quan thánh đế quân tuần du tại Hội quán Hải Nam, Hội quán Nhị Phủ hay công viên Văn Lang.
Còn theo góc độ Phật giáo, một vị hòa thượng trụ trì tại TP.HCM cho hay, Phật giáo quan niệm trong năm có 4 rằm lớn là: rằm tháng giêng (Thượng Nguyên), rằm tháng 4 (Phật đản), rằm tháng 7 (Vu Lan) và rằm tháng 10 (Hạ Nguyên).
Vào ngày này, Phật tử thường đi lễ chùa, làm các việc thiện, cầu mong năm mới an lành, tốt đẹp. Dịp rằm tháng giêng, một số tự viện cũng tổ chức nhiều pháp hội, trong đó tiêu biểu là Pháp hội Dược Sư và tổ chức cúng thí thực, cầu quốc thái, dân an, tiêu tai, giải ách và siêu độ cho chư vị vong linh quá vãng.
Cúng rằm tháng giêng thế nào?
Theo hòa thượng trụ trì, đến ngày rằm tháng giêng, nếu ở nhà có bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên, gia đình nên dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng dâng Phật và ông bà tổ tiên đã mất, nhằm thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân và sự kính ngưỡng đối với Đức Phật.
Bên cạnh đó, Phật tử có thể đến chùa để lễ bái, nghe thuyết pháp đầu năm hay tham gia các khóa lễ tụng kinh, thắp nến hoa đăng cầu an đầu năm... Tại TP.HCM, nhiều chùa tổ chức khóa lễ Dược Sư, lễ sám hối từ khoảng mùng 8 đến 16 tháng giêng.
Về việc đi chùa thắp bao nhiêu cây nhang là đủ, các sư thầy trụ trì chùa cho rằng, không chỉ trong rằm tháng giêng mà bất kỳ dịp nào đến chùa, Phật tử, người đi bái Phật cũng chỉ nên đốt 1 cây nhang.
"Vẫn có một số người tưởng rằng đến chùa nên đốt nhang ở tất cả các bát nhang. Nếu vậy, bên trong không gian sẽ nghi ngút khói, ảnh hưởng sức khỏe, ám khói lên tượng, vấn đề phòng cháy chữa cháy vào những ngày tập trung đông người. Nhiều chùa hiện nay yêu cầu Phật tử không đốt nhang, mà đến các giờ lễ, nhà chùa mới đốt nhang và làm lễ. Phật tử đến chùa sẽ vào vái lạy hoặc cùng tham dự lễ", một vị trụ trì chia sẻ.
Thực tế, một số chùa ngày nay đặt lư hương ngoài sân, Phật tử nên cắm nhang tại đây rồi vào trong bái suông là được.
Bình luận (0)