Thứ nhất, bản thân M.U đã sa sút rồi, đến mức phải sa thải HLV “con cưng” Ole Gunnar Solskjaer. Một đội như thế, suy cho cùng, rất khó khởi sắc chỉ trong vài tuần. Thứ hai, Rangnick chẳng phải là một tượng đài huấn luyện. “Thầy của Thomas Tuchel và Juergen Klopp”? Đáng gọi là cú lừa bịp của thế kỷ, khi người ta ca ngợi như thế!
Bruno Fernandes không phát huy được khả năng dưới bàn tay của HLV Rangnick |
AFP |
Thất vọng lớn nhất chính là cái cách mà Rangnick sử dụng Bruno Fernandes, vô tình biến người hùng này thành một cầu thủ vụng về, rồi sau đó lại dùng Fernandes làm “vật tế thần” để lý giải thất bại. Chỉ ra những chỗ hỏng hóc của M.U trong mùa bóng này là điều hơi khó, đơn giản vì khó mà kể cho hết! Còn ở thái cực ngược lại, Fernandes là ngôi sao hiếm hoi có thể đem về chút hy vọng cho M.U, trong mọi hoàn cảnh. Fernandes mà tỏa sáng thì M.U còn chưa chắc thành công. Nhưng M.U chắc chắn sẽ thất bại nếu ngay cả cầu thủ này cũng không phát huy được khả năng.
0:00 |
Highlights Manchester United 1-0 Aston Villa: Quỷ đỏ vào vòng 4 FA Cup |
Khi Fernandes mờ nhạt suốt 90 phút, M.U không thắng nổi Newcastle. Người ta xem đó là trận đấu dở nhất của M.U thời Rangnick. Chỉ vài ngày sau, lại có trận đấu dở hơn: Thua cả Wolverhampton ngay tại sân nhà, khi Fernandes ngồi dự bị. Lối chơi của M.U thời Solskjaer rất đơn giản: Tất cả xoay quanh và hướng đến Fernandes. Cứ chuyền được bóng đến chân Fernandes ở 1/3 cuối sân, thì coi như một pha tấn công đã được hoàn thành. Còn lại chỉ là công đoạn quyết định: Fernandes chọn một trong 3 mũi nhọn, tùy trận và tùy tình huống để tung ra đường chuyền cuối cùng, hoặc tự anh tung cú dứt điểm. Ở Premier League mùa này, không ai kiến tạo cơ hội nhiều bằng Fernandes, cũng không ai sánh được với anh về chỉ số quan trọng này, từ khi anh gia nhập M.U.
Mùa này, có 3 nguyên nhân làm cho Fernandes không còn là chính mình. Một là Solskjaer bị sa thải, và hệ thống chiến thuật cũ phá sản. Hai là sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo. Ba là HLV Rangnick hoàn toàn sai lầm trong cách dùng Fernandes. Thật ra, Ronaldo chẳng bao giờ là một vấn đề đối với Fernandes. Ở tuyển Bồ Đào Nha, mọi ngôi sao đều phải hy sinh cả hào quang cá nhân lẫn sở trường trong lối chơi để phục vụ Ronaldo, và tất cả vui lòng tuân theo yêu cầu của HLV Fernando Santos (Fernandes cũng là một trong số đó). Nhưng đó là vì các ĐTQG đều không có sự nhuần nhuyễn trong lối chơi. Chỉ được thi thoảng tập với nhau vài buổi trước mỗi loạt trận, các đội tuyển đều phải hướng đến chiến thuật hơn là triết lý. Thành công được quyết định bởi việc xử lý các tình huống bất chợt, hơn là mức độ ăn ý trong cách chơi. Fernandes đá được với Ronaldo ở đội tuyển, nhưng lại vênh với Ronaldo ở M.U là vì vậy. Vì ở M.U, còn có Jadon Sancho, Marcus Rashford, Mason Greenwood xung quanh, và mọi cầu thủ đều phải hướng đến sự ăn ý với nhau - điều mà Ronaldo không tương thích.
0:00 |
Bruno Fernandes - vị cứu tinh bị HLV Rangnick ghẻ lạnh tại Manchester United |
Bây giờ cũng vậy. Rangnick đang ép tất cả vào sơ đồ 4-2-2-2 (hay 4-4-2) và quan điểm pressing của ông, nhưng mọi chuyện chỉ được áp dụng nửa vời. Fernandes không còn tự do phát huy năng lực và sự sáng tạo nữa. Và khi mọi chuyện không diễn ra thuận lợi, tất nhiên Rangnick không dám động đến Ronaldo. Thế là ông “hy sinh” Fernandes!
Bình luận