Những bà nội trợ vốn xưa nay chỉ quen với việc mua bán trực tiếp, nâng lên đặt xuống từng mớ rau - con cá thì giờ đây cũng dùng app, ví điện tử để thanh toán khi đặt hàng online. Phía sau mặt tối của đại dịch là sự thay đối thói quen thanh toán, tiêu dùng đến chóng mặt.
Ế tiền mặt
Chị Yến Thanh (Q.5, TP.HCM) vào cuối tháng 8 đã lên một diễn đàn cầu cứu nhờ giúp mở tài khoản mà không cần đến ngân hàng. Thời điểm này, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, ai ra ngoài phải có giấy đi đường mà bên cơ quan bảo hiểm yêu cầu mẹ Yến Thanh mở tài khoản để nhận tiền lương hưu. Ngay sau khi thông tin này được đăng lên, có khoảng 130 tin nhắn hỗ trợ hướng dẫn chị Thanh mở tài khoản mà không cần phải đến ngân hàng thông qua các app. Và chỉ mất khoảng 5 phút, chị đã mở được tài khoản cho mẹ, không những vậy mà còn bất ngờ nhận được khuyến mãi thêm 30.000 đồng vào tài khoản.
Điều mà chị Thanh lo lắng với trí nhớ của người đã 70 tuổi thì dãy số tài khoản ngân hàng vừa dài, vừa lộn xộn kia sẽ gây khó. Thế nhưng việc này cũng được giải quyết khi ngân hàng cho mở tài khoản theo số điện thoại mà “số điện thoại thì bà cụ nhớ vanh vách”.
Trước mắt, tiền lương hưu của bà được chuyển về tài khoản, việc của chị Thanh là hướng dẫn cho mẹ mình cách sử dụng tài khoản trên điện thoại khi mua hàng. “Từ trước giờ, mẹ quen dùng tiền mặt rồi nên định là sau khi ngân hàng mở cửa, em sẽ ra làm thẻ để bà có cần rút tiền thì ra ATM. Không ngờ, chưa kịp làm thì nhà hết một số đồ dùng. Bà cụ có chỗ thực hành luôn. Bữa đó bà qua tiệm tạp hóa sát bên để mua, người bán nhận chuyển khoản. Bà về hỏi em cách chuyển thế nào. Em hướng dẫn một lần, bà thao tác theo, chuyển khoản thanh toán thành công, nhìn bà vui khi khám phá ra điều mới mẻ mà vừa thấy thương vừa thấy buồn cười. Thôi thì dịch thế này, bà chịu thanh toán chuyển khoản em cũng yên tâm vì hạn chế tiếp xúc khi đưa hay nhận tiền thối…”, chị Thanh kể.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, quét QR Code, không chạm…sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới |
Ngọc Dương |
Thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu, cộng với mạng lưới thanh toán không tiền mặt chưa phủ khắp các dịch vụ, sản phẩm nên ngay cả với những người đã chuyển sang sử dụng thẻ, vẫn phải trữ tiền mặt. Thế nhưng trong mùa dịch, tiền mặt đã chính thức “ế”. Chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) được mệnh danh “vua tiền mặt” vì hay dự trữ tiền mặt trong nhà. Trước thời điểm giãn cách, chị vội vàng ra ngân hàng rút thêm tiền về bỏ trong tủ phòng hờ. Thế nhưng sau gần 4 tháng trôi qua, số tiền mặt vẫn còn nguyên. “Tất cả đều mua qua mạng, thanh toán online nên chẳng dùng gì đến tiền. Mà cũng chính dịp này, mới thấy tiền mặt đôi khi bất tiện. Có lần tôi mua đồ hơn 100.000 đồng, đưa tờ 500.000 đồng thì họ không đủ tiền trả lại. Cuối cùng tôi phải lấy số tài khoản của shipper để chuyển khoản thanh toán. Hết sức phiền toái. Nên sau giãn cách, tôi cũng thay đổi luôn thói quen dùng tiền mặt. Giờ thanh toán online thấy tiện lợi ghê”, chị Hà chép miệng và tự “cười mình” kể, điều khiến chị bất ngờ là mấy đứa em ở quê Quảng Nam, ai cũng có tài khoản ngân hàng. Họ mua đồ trên mạng thành thạo, chuyển khoản thanh toán thành thạo “hơn cả người thành phố. Thế mới thấy mình lạc hậu”, chị nói.
Việc mua hàng thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh là vấn nạn đau đầu đối với nhiều bà nội trợ tại TP.HCM. Sau hơn 10 ngày không mua được thực phẩm khi nhà ở trong “vùng đỏ”, chị Nguyễn Bích (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không giấu được niềm vui khi đặt hàng hôm trước trên sàn thương mại Voso thì hôm sau nhận được. Chị Bích chia sẻ: “Không những bất ngờ vì hàng được chuyển đến nhanh mà còn mua được hàng ở quê Cao Lãnh, không mất phí ship và được giao ngay tại cửa nhà. Các thao tác mua hàng cũng nhanh. Sau khi đặt hàng, tôi tải ví điện tử và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví để thanh toán. Điều này chứng tỏ việc lựa chọn đơn vị bán hàng có hệ thống công nghệ, mạng lưới, phương thức thanh toán ổn thì hàng hóa sẽ mau đến tay người dùng”, chị Bích nhận xét.
Giao dịch niềm tin
Việc không dùng tiền mặt trong thanh toán còn khiến nhiều người cảm thấy ấm áp hơn trong mùa dịch Covid-19 khi niềm tin giữa con người với con người tăng lên. Chị Phan Tú (ngụ tại chung cư ở Q.9, TP.HCM) kể, mùa giãn cách, chung cư nơi chị ở sắp xếp cho 3 bàn đựng đồ giao đến. Hàng hóa đủ loại từ rau quả, thực phẩm, đồ khô, giấy vệ sinh... người bán cứ để trên bàn ngoài sảnh, nhắn tin cho khách khi nào rảnh xuống lấy. Lấy hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản, không gặp nhau. “Đợt rồi giao cả mấy trăm ký bún khô mà chưa ai chậm trả, có người còn chuyển tiền trước. Ai lấy thì tự chuyển khoản trả thôi không cần nhắc lần thứ 2”, một người bán hàng kể. Có người để thùng sả, chanh khơi khơi vậy cũng không thèm đứng canh. Hàng được chia mỗi bịch 1 kg, giá mỗi bịch 10.000 đồng/kg chanh, 15.000 đồng/kg sả. Thông tin tài khoản ngân hàng hay ví điện tử được ghi trên thùng hàng, mọi người cứ lấy khi cần và chuyển tiền thanh toán. “Mình mua ký chanh 10.000 đồng, cũng thanh toán không tiền mặt. Mới đầu thấy ngộ ngộ, nhưng càng ngày càng thấy tiện lợi, mà lại phòng dịch tốt”, chị Tú nói.
phạm hùng |
Chuyển sang thanh toán online, lần đầu tiên ghé các tiệm tạp hóa tại TP.HCM, những người vốn xưa nay chỉ nghe chuyện quẹt thẻ, quét mã QR, chuyển khoản, rút tiền bằng thẻ... là chuyện của người khác nay cũng có dịp thực hành. Bởi với họ, dưa cà mắm muối, giấy vệ sinh, nước rửa chén, đồ khô, bánh kẹo... vài chục ngàn đồng, thậm chí vài ngàn đồng thì chỉ “tiền trao cháo múc” cho chắc, nhưng dịch đã khiến làm quen với một phương thức thanh toán hoàn toàn khác.
Chị Đặng Thương (một tiểu thương trên địa bàn Q.3) kể, trước giãn cách, chị không có tài khoản ngân hàng. Khi dịch bệnh phức tạp, nhiều người cũng khuyên chị nên thanh toán qua tài khoản cho an toàn nhưng nghe kể nhiều chuyện hack tài khoản, mất tiền chị càng sợ. Thế nhưng lần bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 vừa rồi, chị buộc phải mở tài khoản nếu còn muốn hoạt động. “Mình mà không có tài khoản để khách thanh toán, họ cũng chuyển sang mua chỗ khác cho tiện giao dịch nên buộc phải mở. Mở rồi thấy cũng đơn giản mà tiện lợi. Có khách thì thanh toán trước khi nhận hàng, có khách chưa kịp thanh toán, mình đã giao hàng. Dù chưa bao giờ gặp mặt nhưng người ta tin mình, thanh toán trước thì mình cũng phải tin khách mình chứ. Bây giờ hầu hết việc mua bán thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng nên cũng không phải lo giữ tiền trong người”, chị Thương hào hứng kể. Chị còn nói thêm trước đây khi thanh toán tiền mua hàng cho mấy anh chị cung cấp rau, thịt, củ quả… khá bất tiện. Nhiều lúc đang bận nên cũng “nhớ nhớ quên quên”, không tránh được việc nói qua nói lại. Người nói trả rồi, người bảo chưa, có khi cãi nhau. Bây giờ thì thanh toán qua tài khoản nên không xảy ra chuyện này nữa, chuyển tiền thiếu đủ gì rõ ràng hết trên tài khoản rồi. “Biết tiện lợi thế này, tôi mở sớm rồi”, chị cười rổn rảng và chốt xanh rờn “giờ không phải là thanh toán qua tài khoản mà phải gọi là thanh toán bằng niềm tin”.
Đó có lẽ là điểm sáng lớn nhất trong dịch bệnh, niềm tin, sự chia sẻ giữa con người với con người với nhau để cùng vượt qua khó khăn mang tính lịch sử toàn cầu.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: Dịch bệnh Covid-19 cũng là chất xúc tác góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các trung gian thanh toán đều tích cực thúc đẩy tiến trình này. Minh chứng rõ nhất là số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Dự báo lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới giai đoạn 2019 - 2023 sẽ tăng thêm 19,3%. Khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán mới nhiều hơn như thẻ thanh toán không chạm, ví điện tử, mã QR. Dự báo đến năm 2024, thanh toán qua Mobile Money, ví điện tử, ví số trở thành công cụ thanh toán không tiền mặt rất quan trọng.
Bình luận (0)