Khi chính quyền làm sai

04/03/2012 03:04 GMT+7

Mới đây, chủ tịch UBND 8 tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa, đã bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm vì các sai phạm trong báo cáo thiệt hại thiên tai, chậm phân bổ nguồn ngân sách cứu trợ…

Mặc dù, sai phạm có khác nhau nhưng tựu trung đều xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm.

Trong đó, các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi báo cáo tăng gần 10 lần so với thực tế về số nhà bị hư hỏng trong 2 cơn bão số 9 và số 11 (năm 2009), từ 18.718 nhà thành 185.916 nhà. Tương tự, Lai Châu và Thanh Hóa báo cáo thiệt hại, đề nghị kinh phí hỗ trợ nhiều hơn 5 lần so với thực tế. Các sai phạm trên chứng minh rõ ràng về sự thiếu trách nhiệm của chính quyền các tỉnh. Có thể, những con số trên do các cấp địa phương huyện, xã báo cáo lên. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo tỉnh vẫn chấp nhận thì điều đó cho thấy họ không hề sâu sát địa phương.

Không chỉ báo cáo tăng thêm quá đáng so với thực tế, các tỉnh còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi phân bổ chậm trễ các khoản hỗ trợ. Điển hình như Phú Yên vẫn còn dư 8,6 tỉ đồng tính đến tháng 9.2010. Với nhiều hộ nông dân nghèo gặp thiên tai, họ rất trông chờ vào những khoản hỗ trợ để sửa lại nhà cửa, mua thực phẩm, giống cây, phân bón nhằm nhanh chóng vượt qua khó khăn. Làm một phép tính nhẩm, người ta có thể dễ dàng nhận ra những khoản tiền hàng tỉ đồng chậm phân bổ kia lẽ ra có thể giúp được hàng ngàn hộ gia đình vượt qua khó khăn sau thiên tai. Nghiêm trọng hơn, Bình Định, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi còn phân bổ sai mục đích, đối tượng đến 115 tỉ đồng.

Những thực tế đó rất dễ khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền địa phương. Xa hơn, về sau, trung ương cũng có quyền nghi ngờ những báo cáo từ địa phương. Về lâu dài, sự nghi ngờ này khiến những chương trình cứu trợ khác có thể bị chậm trễ vì trung ương cần phải xác minh, thẩm định kỹ lưỡng hơn. Khi đó, người dân lại là đối tượng gánh chịu hệ lụy mất niềm tin do chính quyền địa phương tạo ra. Hệ lụy vạ lây mà người dân gánh chịu không dừng lại ở đó. Sáu trong số tám tỉnh thành ở trên thuộc “khúc ruột miền Trung” mà hằng năm vẫn chịu nhiều thiên tai. Mỗi lần thiên tai, trước những báo cáo thiệt hại nặng nề, các nhà hảo tâm, người dân ở địa phương khác lại nhiệt tình đóng góp, nhiều người còn tình nguyện đến giúp đỡ. Vì thế, sau sự việc lần này, họ có thể trở nên nghi ngờ hơn đối với những báo cáo thiệt hại trong mỗi lần thiên tai. Những tấm lòng hảo tâm, nhiệt huyết có thể bị tổn thương.

Trước những hệ quả như thế, chúng ta cần tăng cường công khai, thường xuyên cập nhật các báo cáo và việc phân bổ các nguồn ngân sách hỗ trợ cho người dân được biết. Việc này càng được thực hiện đến từng địa phương để người dân các tỉnh, các huyện sẽ tham gia giám sát. Khi đó, những sai phạm của lãnh đạo địa phương sẽ hạn chế bị lặp lại.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.