Khi chồng gặp người vợ chọn giải pháp... im lặng

09/04/2016 16:08 GMT+7

Người ta thường bảo phụ nữ nói nhiều nhưng trong ngôi nhà của mình, lâu nay chị Tâm đã trở thành người luôn... im lặng.

Người ta thường bảo phụ nữ nói nhiều nhưng trong ngôi nhà của mình, lâu nay chị Tâm đã trở thành người luôn... im lặng. 

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Ai biết chị ngoài đời, khi ở công ty, bên đồng nghiệp, bạn bè chắc sẽ khó tin rằng ở nhà chị lại là một người “im như thóc, câm như hến”.
Ngoài đời, chị Tâm được nhận xét là người tươi tắn, vui vẻ, trẻ trung, luôn hòa đồng với mọi người. Với bất cứ đề tài nào, chị cũng có thể tham gia trò chuyện, bằng giọng nói dịu dàng, câu chữ ý tứ vừa dễ hiểu vừa sâu sắc, pha chút dí dỏm, khiến người đối thoại thấy thú vị, thậm chí ngưỡng mộ.
Chị am hiểu văn chương, âm nhạc, đọc nhiều sách, báo, giàu kiến thức sách vở và xã hội, cư xử ôn hòa, nhân hậu nên ai gặp chị cũng có cảm giác thân thiện, được chia sẻ. Hình ảnh chị lúc nào cũng gắn với nụ cười thường trực trên môi...
Thế nhưng, với anh Hiệp chồng chị thì chị là người vợ “cả ngày không nói một câu”. Từ lâu, anh đã quen với hình ảnh chị lúc nào cũng im lặng. Anh không biết chị ở công ty thế nào, bên bạn bè, ngoài xã hội ra sao, bởi lẽ những việc đó xảy ra ngoài tầm mắt của anh.
Đã lâu rồi, vợ chồng anh không có hoạt động chung. Anh đi nhậu, chị đi gặp bạn cũ. Anh đi tennis, chị đi tiệc của đồng nghiệp. Anh lo chuyện hiếu hỉ bên nhà nội, chị lo chuyện bên ngoại. Anh tiêu tiền của anh, chị tiêu tiền của chị, cái gì cần chung thì chia đôi.
Anh lo một số việc trong nhà, như đón con tuần mấy buổi, mua những nhu yếu phẩm gì cho sinh hoạt gia đình, sửa sang điện nước lúc hư hỏng... Chị nấu ăn, sắp xếp chuyện học hành của con cái... Anh chị ở phòng riêng, anh xem ti vi các chương trình thể thao, truyền hình thực tế..., thích hát karaoke thật to dù giọng sai nhạc, lúc rảnh thì chơi game còn chị nút tai bằng phone, đóng cửa phòng cách âm để đọc sách, hoặc đi ra ngoài cà phê một mình...
Cứ như cái máy đã phân công, ai làm việc nấy, thỉnh thoảng có những đột biến thì trao đổi, bàn thảo đôi chút nhưng cũng chỉ “nhờ” đến nhau sau khi cả hai đã tìm hết mọi giải pháp khác mà không được. Không phải vì họ chọn sống kiểu “ly thân” mà đơn giản là để tránh phải trao đổi, bởi hễ cất tiếng nói là chỉ một lúc sau họ... cãi nhau mà dân gian gọi là “khắc khẩu”.
Có lẽ giải pháp “im lặng” mà chị Tâm áp dụng khi ở nhà đã mang lại sự bình yên cho gia đình chị. Ngày yêu nhau thì chẳng thấy khoảng cách gì, đến lúc lấy nhau, anh thấy không cần chiều theo chị nữa, cứ tính mình mình sống.
Vốn là dân kỹ thuật khô khan, đơn giản, anh khó chịu khi vợ cứ giở chữ nghĩa, cảm nhận, cảm xúc ra mà nói với mình. Dài dòng, lằng nhằng, khó hiểu, mệt... - đó là những từ anh dành cho chị. Còn vô tâm, vô cảm, “dùi đục chấm mắm cáy”, thô lỗ, chán... là những từ chị dành cho anh.
Nhiều lúc chỉ vì cách nói, cách nghe mà hai bên căng thẳng, ngột ngạt, thậm chí có lúc muốn ly hôn. Nhưng rồi ngày nọ tháng kia, chị tự thích nghi, tự bớt lời, tự tách ra khỏi anh, để anh làm điều anh muốn, chị làm điều chị muốn. Dần thành quen, tách biệt mà lại “hay”, vì không còn phải... cãi nhau nữa.
Anh cũng thích nghi dần với sự im lặng của vợ, cảm thấy thoải mái, chấp nhận mỗi người mỗi việc. Mà mỗi người mỗi việc thì sự trao đổi cũng mất dần, đó là lý do chị trở thành người im lặng trong nhà.
Nhưng đó cũng là lý do, thỉnh thoảng ở bên ngoài, gặp một người hợp gu, thích trò chuyện và chia sẻ cùng, chị cũng chạnh lòng, cũng hơi “liêu xiêu”, thầm nghĩ ước gì chồng mình cũng thích “nghe” mình như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.