'Ban đầu tôi cũng tủi thân, sao con mình học cũng giỏi, cũng tốt nghiệp trường tốt ra, lại suốt ngày cầm máy ảnh chạy lông nhông; sao con mình không thua kém ai, lại đi làm cái nghề gọi là nhiếp ảnh gia tự do'...
"Em cứ cố hết mình, thất bại thì đã có mẹ ở đây", dòng tâm sự của Ngô Thu Trang trong "Chuyện của nghề" |
Buổi ra mắt cuốn sách Chuyện của nghề tại TP.HCM tuần trước, ban đầu là một buổi gặp gỡ giữa những người yêu quý các nhân vật trong quyển sách và nhóm tác giả, đôi lúc trở thành cuộc gặp gỡ tâm sự của những bậc phụ huynh có những đứa con “khác người”.
“Nhiếp ảnh gia tự do là cái nghề gì chứ…”
“Tôi và ông xã đều là người làm kinh tế, không có dính dáng gì nghệ thuật, thế mà chẳng hiểu sao sinh ra đứa con… không giống ai. Trưa hè đi nắng về thì nó viết bài gì gì mà Hạ rơi, đến khi nhìn nắng chiếu nó lại sáng tác Nắng nghiêng. Đến sau này mới biết cháu nó muốn làm nhạc sĩ…”, bà Phạm Ngọc Bích, mẹ của Ngô Thu Trang kể về cô con gái “khác người" của mình.
Một người mẹ khác có mặt tại buổi gặp gỡ là bà Giang Thị Thiềm, mẹ của Phạm Vũ Hoàng Giang - một tác giả trong nhóm Chuyện của nghề - kể lại: “Là bậc cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định. Trước đây tôi cũng tủi thân, tại sao con mình học cũng giỏi giang trong khóa, cũng tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế ra, lại suốt ngày cầm máy ảnh chạy lông nhông; sao con mình không thua kém ai, mà lại đi làm cái nghề gọi là “nhiếp ảnh gia tự do”".
Bà Phạm Ngọc Bích (trái) và Đào Thúy Quỳnh, tác giả trong nhóm Chuyện của nghề - Ảnh: Huy Hoàng
|
“Nhiếp ảnh gia tự do là cái nghề nghiệp gì chứ…”, lời kể của bà Thiềm khiến cử tọa trong buổi ra mắt cười rộ lên. Những phụ huynh có mặt trong sự kiện ngày hôm đó, trước khi hiểu rõ và ủng hộ con mình, đều từng có quãng thời gian bất an khi những đứa con bỏ việc ra Hà Nội, hoặc từ chối tìm kiếm một công việc ổn định, hoặc kiên quyết chạy theo những ước mơ "viễn vông".
"Em cứ cố hết mình, có làm sao thì về với mẹ..."
Ngô Hoàng Thương Thương (21 tuổi, sinh viên Học viện Ngoại giao) tự nhận là một đứa con “lớn lên cũng bình thường” và có một ông bố một bà mẹ “như mọi phụ huynh khác vẫn thích sưu tầm giấy khen của con”. Tuy vậy, bố mẹ Thương cũng là những người “ thường quan trọng những thứ mà mọi người hay bỏ qua và không quan tâm lắm những thứ phụ huynh khác thường quan tâm”.
“Nhà em đề cao chuyện sống tự do lắm ạ, nếu em làm chuyện gì mà khiến em cảm thấy bức bách đến mức phải đem về kể cho mẹ thì lập tức mẹ em sẽ hỏi ngược lại là em có thực sự muốn theo không, thay vì khuyên bảo con phải thế này thế nọ…”.
"Ba mẹ em luôn muốn em được tự do, tư tưởng thoáng để học được thật nhiều và có quan điểm, cách sống của riêng mình. Do vậy nên em có cơ hội để thử sức với rất nhiều thứ, yên tâm thử nghiệm, học hỏi, vì em luôn có gia đình để lỡ có vấn đề gì xảy ra thì còn quay về ăn bám được. Em đùa đấy ạ, ý em là có hậu phương vững chắc thì sẽ yên tâm sống hơn", Thương kể.
Nguyễn Phát (21 tuổi) thích rock từ những năm cấp 2. Đến lớp 8, khi phần lớn bạn bè cùng lứa phải "cắm mặt học" để thi vào cấp 3, Phát dành 8 tiếng một ngày để luyện đàn - Ảnh: Phi Khanh
|
Nguyễn Phát (21 tuổi) thích rock từ những năm cấp 2. Đến lớp 8, khi phần lớn bạn bè cùng lứa phải "cắm mặt học" để thi vào cấp 3, Phát dành 8 tiếng một ngày để luyện đàn. Lên lớp 10, Phát lập một ban nhạc. Hiện nay, Phát đang dạy nhạc tại một số trường, tiếp tục học về sản xuất âm nhạc để làm thêm về hòa âm, phối khí, viết nhạc...
"Thấy mình làm ra tiền nên ba mẹ không ngăn cản, mà thật ra ba mẹ nhà mình cũng thuộc dạng tư tưởng mở, không áp đặt con cái", Phát cho biết về phản ứng của bố mẹ trước quyết định của mình.
Quay trở lại với buổi ra mắt Chuyện của nghề, cô Thiềm nói "quan trọng nhất là Giang đang làm việc cháu yêu thích. Có yêu thích mới theo đuổi được".
Trong khi đó, Trang, con gái cô Bích, hiện đang học tại Học viện âm nhạc London (Anh). "Em cứ cố hết mình, thất bại thì đã có mẹ ở đây, có làm sao thì về với mẹ", Trang kể trong Chuyện của nghề.
Chuyện của nghề (Omegabooks & NXB Lao động) là tuyển tập những câu chuyện về những người bình thường trong xã hội, qua góc nhìn của một nhóm tác giả trẻ. Mỗi câu chuyện trong sách là một chân dung nhân vật, họ có thể là một trong số hàng vạn người đang làm những công việc rất bình thường của xã hội, họ cũng có thể là những người đang khai phá con đường riêng chưa ai đi. Sách in màu, ra mắt tháng 3.2016.
|
Bình luận (0)