Tôi có 2 bé trai, anh 9 tuổi còn em 7 tuổi. Hai đứa đều nóng tính và thường xuyên ganh tỵ, giành đồ chơi của nhau, dẫn đến đánh nhau.
Tôi và ông xã đã nhiều lần khuyên bảo, nhắc nhở, thậm chí đánh cả hai, nhưng các con vẫn không hòa thuận được. Làm gì để khắc phục tình trạng trên. (Lan Khuê - Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
Hầu hết các gia đình có từ hai con trở lên đều có lo lắng về vấn đề các con không hòa thuận và chúng tôi hiểu được tình yêu thương mà một người mẹ như chị dành cho hai con của mình. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau: Trước tiên, khi xảy ra xung đột chúng ta nên thể hiện sự đồng cảm với con và làm dịu không khí bằng cách gợi mở cho con nói lên những cảm xúc trong lòng. Thay bằng việc quát mắng, nổi giận hay trừng phạt thì chúng ta có thể nhẹ nhàng nói: “Các con nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì xảy ra thế?”, “Chuyện này khiến con cảm thấy thế nào?” hoặc “Con cần gì và mẹ có thể giúp gì cho con?” để các con được bảo vệ cảm xúc và thấy rằng ba mẹ luôn quan tâm đến con. Khi nói ra được sự bực bội trong người, các con có thể dễ dàng kết thúc mâu thuẫn.
|
Một việc mà đa số các ba mẹ đều biết nhưng không phải ai cũng thực hiện được đó là không so sánh các con với nhau hoặc với người khác, bình đẳng khi đối xử công khai với các con. Vì điều đó sẽ thúc đẩy cảm giác ghen tỵ, không hài lòng lẫn nhau giữa các con. Điều bố mẹ nên làm thường xuyên là khen ngợi, cỗ vũ cả hai trước mặt nhau, bất kỳ vấn đề gì cũng đề cập đến cả hai con, còn khi nhận xét thì dành thời gian riêng với mỗi con. Để giải quyết triệt để mâu thuẫn, chúng ta có thể tận dụng mọi tình huống để khẳng định, bồi dưỡng tình yêu thương của anh em như: thường xuyên chia sẻ câu chuyện về tình anh em, dán/viết những câu danh ngôn về tình cảm gia đình/anh em ở mọi nơi trong nhà, nhắc nhở con về cách ứng xử với nhau và ngoài xã hội, tạo cơ hội để anh em tặng quà cho nhau và nói lời yêu thương...
Khi nhận thấy có dấu hiệu xung đột, ta tìm cách tách các con ra và đánh lạc hướng để sự việc không xảy ra. Hơn nữa, một số kỹ năng được cho là cần thiết như: thói quen xin - cho, nói lời xin lỗi - cảm ơn, nhường nhịn hoặc chờ đến lượt... Ngoài ra, việc dạy các con tôn trọng đồ dùng, đồ chơi của nhau nhằm giải thích cho các biết phạm vi và quyền hạn sử dụng đồ của mỗi con. Và quan trọng nữa là ba mẹ làm tấm gương cho các con trong cách cư xử hòa thuận, tình cảm, nhẹ nhàng, với nhau, một môi trường sống hòa bình và đầy tình yêu thương sẽ giúp các con hòa thuận với nhau hơn.
Bình luận (0)