Khi cướp đột nhập vào nhà

17/10/2012 03:15 GMT+7

Sau đoạn phim hướng dẫn nữ sinh phòng “yêu râu xanh”, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục “trình làng” 2 đoạn phim kỹ năng Ở nhà một mình và 10 tư thế võ thoát hiểm.

“Xuất phát từ cuộc sống bận bịu, bố mẹ đôi khi phải để con ở nhà một mình. Trong khi trẻ em lại là đối tượng rất ít khả năng phòng vệ và không cảnh giác tốt như người lớn. Thực trạng kẻ xấu giả danh người quen để lẻn vào nhà trộm tài sản khi chỉ có một mình trẻ trông nhà là khá nhiều”, thạc sĩ Hiếu chia sẻ về lý do thực hiện hai đoạn phim dạy kỹ năng sống trên. Theo thạc sĩ Hiếu, đoạn phim sẽ giúp trẻ em từ 9 -15 tuổi phòng vệ và thoát thân khi cướp tấn công tại nhà.

“Mẹ con để tiền trong phòng ngủ, chú vào lấy đi !”

Đoạn clip tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=5IrJFXqEVOE lấy bối cảnh một dãy chung cư. Khi trộm bấm chuông, trẻ mở cửa thì kẻ xấu giả người quen của bố mẹ, yêu cầu trẻ vào bếp lấy đồ. Tận dụng thời cơ, hắn vào nhà và uy hiếp đứa trẻ.

Thạc sĩ Hiếu hướng dẫn nhiều cách ứng phó. Có thể tận dụng ưu thế “sân nhà” bởi tên trộm không rõ địa thế trong nhà bằng trẻ. Ngay lúc đó, trẻ nên tỏ vẻ hợp tác ngay: “Đồ trong nhà chú lấy gì cứ lấy đi nhưng đừng có đánh đòn con nha. Chú lấy nhanh nhanh rồi đi đi kẻo mẹ con về” rồi ngồi im thin thít ngoan ngoãn. Khi trộm vừa hướng mắt tìm tài sản, hãy chọn căn phòng gần nhất rồi… chui tọt vào phòng và khóa trái cửa lại, vừa gào to tri hô để báo động hàng xóm, vừa làm cho tên trộm sợ hãi vì bất ngờ và bỏ chạy.

 
Cảnh giả định cướp đột nhập vào nhà uy hiếp em bé -  Ảnh chụp từ Youtube

 

 

 
Lợi dụng sơ hở, em bé thọc vào mắt của kẻ cướp và chạy ra ngoài tri hô

Ngoài ra, có thể lợi dụng động cơ lấy tài sản để đưa trộm vào tròng. “Đồ trong nhà chú lấy gì cũng được hết nhưng đừng có đánh đòn con nha. Tiền bạc ba mẹ con để trong phòng ngủ đó. Chú lấy ít thôi đừng có lấy hết nha” rồi im thin thít. Thường trộm vào nhà người khác luôn có tâm lý muốn lấy đồ cho nhanh. Khi hắn nắm cổ áo đứa bé vào phòng, bé hãy chỉ chỗ để chìa khóa tủ (trên đầu tủ hoặc dưới nệm) - nơi khó lấy một chút. Khi hắn vừa rời mắt lục lọi tìm chìa khóa thì đứa bé phóng nhanh ra ngoài, đóng cửa phòng (nếu có chốt bên ngoài, hãy chốt lại và nhốt hắn bên trong) và phi nhanh ra cửa, vừa chạy vừa gào to báo động hàng xóm.

Đặc biệt hơn, đứa trẻ có thể làm cho tên trộm quằn quại trước khi bỏ chạy để có nhiều thời gian hơn. Khi hắn cúi xuống hăm dọa, hãy bất ngờ lấy một tay chạm vào đùi hắn (để hắn cúi xuống nhìn, đánh lạc hướng), khi hắn vừa ngẩng đầu lên thì dùng hai ngón của tay còn lại chọc thẳng vào mắt, đá thẳng chân vào hạ bộ rồi phi nhanh ra cửa.

Theo thạc sĩ, trong trường hợp trộm có hung khí, hoặc bắt trói, nhét giẻ vào mồm thì nên ngoan ngoãn để “của đi thay người”. Thạc sĩ cũng cho rằng: “Phòng hơn là đối phó”. Nghĩa là, trẻ em ở nhà một mình không nên mở cửa cho người lạ mà hãy trò chuyện qua khe cửa và gọi điện thoại cho bố mẹ trước khi quyết định mở cửa hay không.

10 thế võ thoát hiểm

Ngoài đoạn phim nêu tình huống lưu ý quý phụ huynh cảnh giác hơn khi quyết định để con trông nhà; hiến kế giúp phụ huynh có thể hướng dẫn con em cách đề phòng kẻ lạ đột nhập và cách phản ứng khi có thể phản ứng được và cách ứng xử an toàn nếu kẻ xấu có hung khí… Thạc sĩ Hiếu còn giới thiệu 10 thế võ thoát hiểm (https://www.youtube.com/watch?v=fgVkYI3gteQ&feature=youtu.be) bởi “không có phương pháp thoát hiểm nào là hoàn hảo. Vì vậy “thủ” sẵn một vài tư thế thoát hiểm trong những tình huống bất ngờ là điều cần thiết. Đôi khi chỉ cần ra một đòn là có thể thoát được, đôi khi chỉ cần 2 giây phản ứng trong khoảng khắc quyết định là có thể cứu được cả đời”, thạc sĩ Hiếu chia sẻ.

Được biết, đây là các tư thế võ không khó học, nó rất phổ biến và tập luyện khá dễ, thuần thục khá nhanh và đầy hiệu quả. Thắc mắc vì sao chỉ có 9 tư thế võ trong đoạn phim, thạc sĩ Hiếu cho rằng chỉ hướng dẫn 9 tư thế, còn tư thế thứ 10 đó chính là “Tư thế chủ động” của người xem, họ phải tự trang bị thêm cả chục, cả trăm tư thế khác cho bản thân… “Đoạn phim chỉ muốn là một que diêm mồi lên ý thức về kỹ năng phòng vệ của mỗi gia đình. Đừng tuyệt đối hóa bất cứ phương pháp thoát hiểm nào và hãy sáng tạo ra thêm những phương pháp khác cho mình”, thạc sĩ Hiếu nói.

Để thực hiện hai đoạn phim này, thạc sĩ Hiếu đã mời thành viên của Đội Điều tra phòng chống tệ nạn xã hội - trực thuộc Công an TP.HCM tham gia tư vấn và phản biện.

Thạc sĩ Hiếu cho rằng, những đoạn phim đầu tay tuy chưa hoàn hảo nhưng được giới trẻ và nhiều phụ huynh động viên ủng hộ. Điều đó cho thấy xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng đang rất “khát” trong việc học tập kỹ năng qua loại hình đoạn phim. Hy vọng loạt những đoạn phim Tháo gỡ chuyện khó đỡ mang đến làn gió mới trong phương pháp học kỹ năng sống, giúp phần nào đáp ứng nhu cầu bức xúc của bạn trẻ trong khi nhà trường và các trung tâm còn rất nhỏ giọt trong việc đáp ứng nhu cầu này.

Nguyễn Thanh Nam

>> CSGT bắt cướp
>> Tuần tra bắt cướp
>> “Cảnh sát áo xanh” bắt cướp
>> Người đẹp 2 lần bắt cướp
>> Nổ súng truy bắt cướp ở trung tâm thành phố
>> Hiệp sĩ" Sài Gòn bắt cướp
>> Bồ câu trắng" bắt cướp
>> Quần chúng bắt cướp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.