Thời gian gần đây, một số doanh nhân thuộc hàng "top 10 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán" bỗng dưng rẽ sang làm thêm việc... nhà nông.
Ông Đức đang chỉ cho các nhà đầu tư xem hệ thống đường ống tưới nước ngầm dưới đất - Ảnh: Nguyên Hằng
|
Mở đầu là ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai mà xuất phát điểm là nghề kinh doanh đồ gỗ và bất động sản. Tiếp sau đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người đứng đầu Tập đoàn Vingroup, một đại gia Việt được tạp chí Forbes cho rằng đang sở hữu 1,7 tỷ USD, chuyên đầu tư bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh viện quốc tế và gần đây nhất là cả lĩnh vực siêu thị. Cuối cùng (tất nhiên chỉ là đến giờ phút này) là ông Trần Đình Long, chủ Tập đoàn Hoà Phát nổi lên nhờ kinh doanh thép và đồ nội thất văn phòng...
Tôi chưa thực sự hiểu lắm nguồn cơn gì mà họ đều có chung ý tưởng nhắm tới nghề nông. Đây chưa hẳn là loại hình sản xuất hấp dẫn, có thể giàu nhanh, bởi người dân nói chung vẫn còn ham đồ rẻ và chưa thật chấp nhận nông sản sạch giá cao. Đó là chưa kể đến mức sống ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.
Trước cả khi ông Đoàn Nguyên Nguyên Đức "xả" gấp khối bất động sản đồ sộ để lấy vốn đầu tư sang Myanmar làm khách sạn cao cấp, doanh nhân này cũng đã mua diện tích đất trồng cao su cực lớn ở trong nước. Sau đó, ông trồng mía trên đất Lào theo công nghệ mới, cho năng suất cao và với giá thành rất hạ. Ý đồ ban đầu của ông là nhập đường thô về nước rồi tiếp tục chế biến thành phẩm và xuất sang Trung Quốc. Chỉ vậy thôi mà đã làm các doanh nghiệp mía đường trong nước được một phen "vã mồ hôi hột" bởi cầm chắc sẽ không thể cạnh tranh nổi với ông.
Ông Phạm Nhật Vượng - Ảnh: Đức Duy
|
Ông Phạm Nhật Vượng từng làm ăn bên Ukraine rồi nhạy bén với thời cuộc, sớm chuyển hẳn về quê nhà. Chỉ nhìn vào khối lượng công trình và những việc mà ông đã triển khai thành công ở Việt Nam khoảng trên chục năm qua trong một loạt lĩnh vực khác nhau, chắc ông cũng đã hài lòng. Nhưng dù lĩnh vực nào cũng thành công lớn, ông chủ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam này vẫn chưa muốn dừng bước. Mới đây, ông tâm sự: "Khát vọng của tôi là muốn để người Việt được dùng rau, quả sạch thường xuyên". Được biết, ông Vượng dự kiến sẽ đầu tư những trang trại trồng rau, củ, quả sạch với công nghệ của Israel cho năng suất cao gấp vài chục lần so với bình thường.
Trong khi đó, Tập đoàn Hoà Phát của ông Trần Đình Long mới đây đã thông qua phương án thành lập công ty chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, đặt trụ sở tại KCN Phố Nối A (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Như vậy đủ thấy kinh doanh nông nghiệp theo công nghệ mới, hiện đại và cho năng suất cao đang manh nha trở thành xu thế tích cực. Nhìn vào những nhà đầu tư trên, ta thấy họ luôn có tầm nhìn rất xa và quyết tâm rất lớn. Tuy thế, chỉ một vài doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long hay Đoàn Nguyên Đức là không đủ và chưa thể kỳ vọng trong dăm bảy năm nữa sẽ có đủ thực phẩm sạch cho trên 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Chúng ta rất cần thêm nhiều những doanh nhân có tầm như vậy trong cuộc “chinh phục” thói quen tiêu dùng mới: thực phẩm sạch, giá hợp lý. Muốn vậy, Nhà nước phải có những chinh sách đồng bộ và quyết liệt thì mới có thể động viên các doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn nhưng lãi không thật nhiều.
Rất có thể sau một số năm nữa, khi nhiều người đầu tư vào lĩnh vực này, đời sống của người làm nông nghiệp nhờ vậy sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ thoát nghèo mà có thể làm giàu. Họ có thể được hưởng thụ chế độ bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác như người lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đó chính là mong mỏi rất lớn của Nhà nước, đúng với nghị quyết về nông nghiệp và phát triển nông thôn của Đảng, nhưng nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước, e rất khó có thể làm nổi.
Bình luận (0)