Trăn trở trước thực trạng một quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng chưa có một thương hiệu gạo được thế giới biết đến; trong nước thì người nông dân vẫn nghèo, người dân vẫn phải ăn gạo kém chất lượng, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn Phú, đã nghiên cứu đầu tư làm gạo hữu cơ lấy thương hiệu Hoa Sữa (HoaSuaFood).
Canh tác trên cánh đồng lúa hữu cơ - Ảnh: N.N
|
Tham vọng thay đổi gạo VN
“Khi bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu, điều khó nhất của tôi là những vùng đất vốn được coi là vựa lúa phía nam như Long An, Tiền Giang đều bị nhiễm độc từ phân bón hóa học và hóa chất diệt sâu rầy. Đất như vậy không thể trồng lúa hữu cơ”, ông Khải cho biết. Một số bạn bè sau khi nghe ông trình bày nhu cầu tìm đất còn “sơ khai” để trồng lúa sạch, họ bảo ông về vùng đất ven rừng U Minh ở tỉnh Cà Mau, nhưng cũng cảnh báo ở đó đất không màu mỡ, nhiễm phèn và cần đầu tư canh tác rất nhiều. “Đất chết của người khác là đất sống của mình”, ông Khải tự nhủ và khăn gói về Cà Mau trong bối cảnh vùng đất chưa có đường, điện, nước sạch. “Chỉ có lau sậy, rắn rết và rất nhiều muỗi. Nhưng tôi quyết định mua và cùng nhà nông canh tác 320 ha đất ở đây để thực hiện giấc mơ làm gạo sạch 100% đúng nghĩa”, ông Khải nhớ lại.
Phải mất đến 3 năm, đầu tư hết vốn liếng để làm thủy lợi, nghiên cứu giống, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói, kho… để làm gạo. “Nghiên cứu của chúng tôi là làm thế nào để thay đổi cấu trúc bên trong của hạt gạo, tăng một số đặc tính sinh học như chất chống ô xy hóa cao, chỉ số đường huyết thấp, chất xơ tăng lên nhiều lần…”, ông Khải cho biết.
Không những tạo giống lúa mới đáp ứng nhu cầu trên, Công ty Viễn Phú nghiên cứu thay đổi phương pháp canh tác, tăng dược tính sinh học nhằm có sản phẩm gạo phòng và chữa một số bệnh về tim mạch, ung thư, gan…
Để làm được những hạt gạo sạch đúng nghĩa “bio”, khi chưa có những chất hữu cơ diệt sâu rầy, ông thuê người nhổ cỏ bằng tay, đêm đốt đèn bẫy sâu rầy, nuôi cá và thả vịt vào ăn sâu rầy… Đến nay, Viễn Phú đã sở hữu 6 giống gạo hữu cơ gồm: gạo trắng sữa, gạo màu, gạo tím, gạo đỏ, gạo đen và gạo Gaba.
Theo ông Khải, tuy có các thành phần dinh dưỡng khác nhau song đặc tính chung của các loại gạo này là phòng và trị một số bệnh mãn tính, giảm rối loạn tiền đình, ổn định đường huyết và giảm béo… Năm 2014, Hoa Sữa được tổ chức giám định ControlUnion của Hà Lan trao chứng nhận là nhãn hiệu gạo hữu cơ Bio Organic, đạt chuẩn cao nhất của Mỹ USDA và EU. Đây cũng là thương hiệu gạo VN duy nhất nhận chứng nhận này, ông Khải cho biết.
Cung mới chỉ đạt 1%
Ông Khải cho biết: “Nhu cầu thị trường thế giới đối với gạo hữu cơ hiện là 100, nhưng khả năng cung cấp của công ty chỉ mới được 1. Nhu cầu thế giới đang cực kỳ cao và chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khăn tìm đầu ra. Khách hàng tự tìm đến chúng tôi đặt hàng, nhưng sản phẩm làm ra luôn trong tình trạng cung không đủ cầu”.
Với 320 ha lúa hữu cơ sở hữu, ông Khải đã đầu tư hơn 3 triệu USD tính đến thời điểm này. Theo tính toán của ông Khải, trong dự án nói trên, tiền làm hạ tầng và vốn lưu động để làm giống trồng lúa hữu cơ trên vùng đất mới như kế hoạch trước đây khoảng 2.000 - 2.500 USD/ha đất. “10.000 ha đất cần 20 triệu USD. Con số đó không lớn so với tiềm lực của nhiều nhà đầu tư, so với tham vọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo phương pháp công nghệ cao. Song tôi gõ cửa nào cũng thấy im ỉm đóng, nản quá. Nay tôi quyết định ngưng và bằng lòng với những gì đang làm được”, ông Khải cho biết và nói thêm: “Những nhà tiên phong đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao không tham vọng được nhà nước hỗ trợ hơn người khác, chỉ muốn có một cơ chế rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn”.
Bình luận (0)