Khi Đài Loan không chỉ đối mặt căng thẳng quân sự

28/05/2024 06:00 GMT+7

Không chỉ đối mặt với sức ép quân sự tăng cao từ Bắc Kinh, Đài Bắc đang phải đối mặt với hệ quả khác của ngành chip bán dẫn do căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Hôm qua (27.5), Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo có 21 máy bay quân sự, 11 tàu hải quân và 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đại lục xuất hiện ngoài khơi Đài Loan từ sáng 26.5 đến 27.5. Trong đó, có 10 máy bay đã vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan nên Đài Bắc phải triển khai các biện pháp "ứng phó phù hợp".

Trạng thái "bình thường mới" đầy căng thẳng

Hoạt động trên diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh ngày 23.5 triển khai nhiều tàu chiến và chiến đấu cơ bao quanh Đài Loan trong cuộc tập trận kéo dài 2 ngày mà Trung Quốc đại lục tuyên bố là nhằm đánh giá năng lực kiểm soát hòn đảo này. Những diễn biến vừa nêu đã xảy đến chỉ vài ngày sau khi ông Lại Thanh Đức ngày 20.5 chính thức kế nhiệm bà Thái Anh Văn để tiếp nhận vị trí lãnh đạo của Đài Loan. Chính vì thế, đó có thể xem là một thông điệp cứng rắn mà Bắc Kinh muốn gửi tới tân lãnh đạo của Đài Loan.

Khi Đài Loan không chỉ đối mặt căng thẳng quân sự- Ảnh 1.

TSMC cũng như nền kinh tế Đài Loan đang hứng chịu nhiều sức ép

Reuters

Tuy nhiên thực tế, mật độ hoạt động quân sự của Bắc Kinh xung quanh eo biển Đài Loan đã tăng cao kể từ đầu tháng 8.2022 sau khi bà Nancy Pelosi, lúc đó giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, có chuyến thăm Đài Bắc. Chuyến đi của bà Pelosi đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Kể từ đó, một trạng thái "bình thường mới" hình thành xung quanh eo biển khi hoạt động quân sự được Trung Quốc đại lục tiến hành với mật độ gần như chưa từng có trong thời gian dài. Bắc Kinh thường xuyên điều động chiến đấu cơ vượt đường trung tuyến - vốn được xem là "giới tuyến" trên biển để phân định giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan trong gần 70 năm. Kèm theo đó là hàng loạt tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay, thường xuyên hiện diện, tập trận quanh eo biển.

Tình trạng này gây áp lực không nhỏ nhằm vào Đài Bắc. Đài NBC hôm qua dẫn lời đại diện nhóm nghị sĩ Mỹ đang thăm Đài Loan khẳng định vũ khí do Washington cung cấp tiếp tục được chuyển đến Đài Bắc. Tuy nhiên, bất chấp các phản ứng từ Washington, Bắc Kinh vẫn không tỏ tín hiệu xuống thang trong gần 2 năm qua. Thậm chí, một số sĩ quan quân sự cấp cao của Mỹ còn cảnh báo Bắc Kinh có thể sớm sử dụng vũ lực để thống nhất hai bờ eo biển.

Không chỉ là sức ép quân sự

Trong khi đó, Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, thậm chí từng chiếm hơn 90% thị phần sản xuất chip bán dẫn tiên tiến toàn cầu. Tập đoàn TSMC của Đài Loan cũng đang dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chip bán dẫn, đồng thời là nhà cung cấp cho các "trùm" công nghệ của Mỹ như Apple, NVIDIA… Nên nếu xung đột nổ ra quanh eo biển Đài Loan hoặc Bắc Kinh thống nhất Đài Bắc thì sẽ là "thảm họa" cho Mỹ và đồng minh do bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp chip bán dẫn.

Cũng vào hôm qua, Bloomberg dẫn lời quan chức Đài Loan cho rằng việc TSMC mở một số nhà máy ở nước ngoài sẽ "rất có lợi" cho Đài Loan vì nó sẽ cho phép nhà sản xuất chip này làm việc chặt chẽ hơn với khách hàng và giúp họ tuyển dụng được những nhân tài giỏi nhất. Mặt khác, việc đầu tư nhà máy ở nước ngoài của TSMC có thể xem là một động thái "trấn an" các đối tác và đồng minh giữa lúc lo ngại về rủi ro quân sự tăng cao quanh eo biển đang tạo ra áp lực lớn cho Đài Bắc về kinh tế với ngành mũi nhọn là chip bán dẫn.

Thực tế, phương Tây lo ngại nguy cơ các cơ sở của TSMC ở Đài Loan bị Bắc Kinh kiểm soát nếu Trung Quốc đại lục kiểm soát hòn đảo. Mới tuần trước, Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận cho hay TSMC và Công ty ASML (Hà Lan) đã phải tích hợp khả năng điều khiển từ xa để vô hiệu hóa các thiết bị của các công ty này nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan. Trong số 2 công ty trên, ASML là doanh nghiệp số 1 thế giới về cung cấp thiết bị dùng để sản xuất chip bán dẫn, nổi bật là máy quang khắc.

Điều đó cho thấy TSMC nói riêng, doanh nghiệp Đài Loan nói chung, đang chịu một sức ép rất lớn về rủi ro liên quan căng thẳng xung quanh eo biển. 

Ngày 4.6, triển lãm công nghệ Computex thường niên khai mạc ở Đài Bắc. Trong khuôn khổ sự kiện, dự kiến lãnh đạo của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: NVIDIA, Qualcomm, Intel, AMD… sẽ hiện diện.

Giữa bối cảnh căng thẳng quân sự tăng cao và tân lãnh đạo Lại Thanh Đức vừa nhậm chức thì sự hiện diện vừa nêu có thể xem là mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với hình ảnh của Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.