Khi dân kiến 'xây' vườn hưu trí

02/06/2019 09:47 GMT+7

Chúng ta đầu tư sân chơi, nhà trẻ cho các bé, nhưng chúng ta đã thật sự nghĩ đến việc tạo không gian, 'sân chơi' cho người già chưa? Vườn hưu trí là một phương án giải cho người già từ các sinh viên kiến trúc.

Đó cũng chính là đề bài trong khóa học nhỏ đầu tiên diễn ra tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Sinh viên sẽ tự chọn khảo sát một khu đất ở Q.5 hoặc Q.7 rồi đề xuất phương án cải tạo thành vườn hưu trí.
Thạc sĩ - kiến trúc sư Đỗ Quốc Hiệp, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Sân chơi này sẽ tổ chức 2 lần/năm học. Đề tài mỗi đợt sẽ giải quyết một vấn đề thực tiễn của xã hội từ ý tưởng cho đến tính khả thi. Qua đó, sinh viên sẽ trang bị cho bản thân những kỹ năng, kiến thức để tự tin hơn khi ra trường. Kiến trúc sư không chỉ thiết kế “nơi che nắng mưa” mà phải có khả năng tạo được không gian sống, giải quyết được vấn đề xã hội”.
Khi chiếc lá không còn xanh, liệu sẽ chỉ còn một màu vàng úa, già cỗi đợi đến ngày lìa cành? Nhóm 12234 Friends với phương án Chiếc Lá liên tưởng vòng đời mỗi chiếc lá như cuộc đời mỗi con người: sinh ra, lớn lên, rồi già đi. Những chiếc lá không còn màu xanh vẫn có thể là tán lá đầy màu sắc cũng như những người già đi về thể chất vẫn có thể trẻ trung trong tâm hồn.
Khu đất được chọn là công viên Cửu Long (Q.5, TP.HCM gần chợ Kim Biên), đây là mảng xanh hiếm hoi ở khu vực này. Để tiết kiệm chi phí tối đa, phương án tận dụng công trình có sẵn, hồ nước, cây xanh, chòi nghỉ... chỉ dùng những tấm polycarbonate nhiều màu tạo cảm giác vui tươi, trẻ trung cho người già.
Nhóm 3F2T với phương án Hồi Sinh chọn chợ cũ Hòa Bình, Q.5. Ngôi chợ bị bỏ hoang, già nua im lặng trông theo cái chợ mới cùng tên nhộn nhịp gần đó như những người đã qua thời hoàng kim, muốn được hồi sinh thời gian đẹp nhất của mình. Phương án đề xuất cải tạo, giữ lại hệ chịu lực, những đường nét cũ. Đây sẽ là nơi bán ẩm thực truyền thống Việt Nam hoặc những món ăn gia truyền của người Hoa. Điều này sẽ mang lại “hồn chợ” vốn có của chợ cũ Hòa Bình, đồng thời tạo công việc cho những người Hoa lớn tuổi sống gần đó.
Phương án Chiếc lá L.Y
Ở tầng trên nhóm đề xuất các “đơn vị phòng” (module) có thể lắp ghép với hệ lam chạy quanh để có thể lùa tạo không gian mở, đóng tùy thích. Khoảng chuyển tiếp giữa không gian ẩm thực rộn ràng phía dưới và không gian nghỉ ngơi tầng trên được bố trí một “vườn xanh” để chặn tiếng ồn.
Phương án Hồi sinh L.Y
Trong khi đó, nhóm Bạn Của Lão Trong Vườn với phương án Chuồng Cọp chọn khoảnh đất công cộng nằm ngay rìa “Xóm hẻm cụt”, Q.7, nơi phần lớn những người già rời bỏ ruộng vườn theo con lên phố thị ở. Lấy ý tưởng từ những khung sắt chặn kín ban công (để chống trộm) như cái chuồng cọp, nhóm đề xuất những đơn vị (module) tam giác có thể tạo thành hệ khung mở, có thể lắp ráp tạo thành những không gian đa dạng tùy theo mục đích sử dụng (trồng trọt, buôn bán, hội họp...). Tại đó, người già có thể cùng nhau sống lại những kỷ niệm cũ trong một không gian mới.
Phương án Chuồng cọp L.Y

Bất ngờ nhất vẫn là nhóm Breathes cùng phương án Hai Mảnh Ký Ức. Với ý tưởng kết nối hai mảnh ký ức: hẻm và sân, nhóm đề xuất xây dựng công trình tại Ôn Lăng Hội Quán (đường Lão Tử, P.11, Q.5), là “vùng lõi” văn hóa cộng đồng Hoa kiều Chợ Lớn. Đặc sắc của phương án là sử dụng vật liệu cũ của các nhà cổ bị hạ giải ở Chợ Lớn, chủ động ngầm hóa công trình để tránh biến đổi cảnh quan đặc thù Chợ Lớn. Khả năng thuyết trình hùng hồn cùng phương án thuyết phục đã giúp nhóm Breathes giành giải nhất một cách thuyết phục.
Trần Phát, sinh viên năm thứ nhất, thành viên nhóm Breathes - hào hứng: “Khác với những đồ án trong năm học, ở đây tụi mình phải tự tìm ra vấn đề rồi từ đó sáng tạo cách giải quyết hợp lý. Qua khóa học lần này mình còn có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, lắng nghe được những nhu cầu rất thật từ người già”.
 
Phương án Hai mảnh ký ức NVCC
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.