Khi đàn ông là 'nhân vật chính'

Ngọc An
Ngọc An
11/03/2022 06:44 GMT+7

Nhiều khán giả đang chú ý tới bộ phim Anh có phải đàn ông không? được phát sóng trên kênh VTV3. Một trong những yếu tố hấp dẫn của phim là mang đến câu chuyện của những người đàn ông trong xã hội hiện đại.

Ưu và nhược điểm của đàn ông

Cuộc sống gia đình, công việc, sự nghiệp của 3 người đàn ông Tuấn Khang, Duy Anh và Nhật Minh được khắc họa trong Anh có phải đàn ông không?

Nhân vật Tuấn Khang do Nhan Phúc Vinh đảm nhận là một thiếu gia, “trai hư” chính hiệu. Còn vai Duy Anh của Tuấn Tú là một ông chồng có thâm niên 18 năm nội trợ, để vợ có thời gian phấn đấu cho sự nghiệp riêng. Trong khi đó, Nhật Minh - nhân vật do Hà Việt Dũng thủ vai là người chồng yêu thương gia đình, nhưng lại vô tâm, không biết cách thể hiện tình cảm, nên vô tình đẩy cuộc hôn nhân của mình trước bờ vực tan vỡ. “Để xây dựng nên 3 mẫu đàn ông của 3 nam chính trong phim, nhóm biên kịch đã phải quan sát, phân tích và chọn ra những gì tiêu biểu trong tính cách, gồm ưu, nhược điểm của đại đa số nam giới trong xã hội hiện đại. Quan sát từ chính những người đàn ông trong cuộc sống hằng ngày, cùng với những câu chuyện trên mạng xã hội, chúng tôi có cái nhìn tổng quan và định hình ra những nam chính mà mình mong muốn”, biên tập Lại Phương Thảo của phim Anh có phải đàn ông không?, chia sẻ.

Ba nhân vật chính trong phim Anh có phải đàn ông không? do Hà Việt Dũng, Nhan Phúc Vinh, Tuấn Tú thủ vai

VFC

Những diễn biến tiếp theo của bộ phim Anh có phải đàn ông không? sẽ cho thấy hành trình lớn lên, thay đổi của những người đàn ông: Duy Anh nhận ra điều quan trọng nhất là không được đánh mất chính mình, phải sống có mục tiêu; Nhật Minh học cách thay đổi bản thân, quan tâm tới cảm xúc người khác; còn Tuấn Khang nhận được những bài học để trưởng thành và tìm lại được niềm tin vào tình yêu. Biên tập Lại Phương Thảo cho hay, thông điệp của phim đơn giản là “dù là phái mạnh thì đàn ông vẫn có những khoảng yếu mềm, vẫn có những ẩn ức, những áp lực trong tâm lý. Những áp lực ấy đến từ cả gia đình và xã hội. Để gồng gánh hai chữ "đàn ông" đôi khi có rất nhiều nỗi khổ tâm mà không phải ai cũng thấu hiểu và đồng cảm”.

Sức hút từ “những người đàn ông”

NSND Trung Anh chia sẻ từng suýt bỏ lỡ vai diễn ông Sơn trong bộ phim Về nhà đi convì “có chút việc riêng, sợ không đảm nhận được”. “Nhưng khi được thuyết phục và đọc kịch bản phim, tôi đã khóc và nghĩ khó có thể từ chối vai diễn này. Tôi đã nói ngay với anh Danh Dũng (đạo diễn phim - PV) rằng đây là kịch bản khiến tôi rất thích”, NSND Trung Anh bày tỏ. Bộ phim Về nhà đi con khắc họa hình ảnh người cha (ông Sơn) “gà trống” nuôi 3 người con gái lớn khôn. NSND Trung Anh cho hay, ông thấy mình và ông Sơn cùng có điểm chung là luôn dành “tình yêu thương và cả sự nghiêm khắc với con”. Sự thành công hay nói không quá là “hiện tượng phim truyền hình” của Về nhà đi con có thể được lý giải một phần từ hình ảnh người đàn ông trong gia đình - người cha và những câu chuyện về tình cảm cha con, tình cảm gia đình được xây dựng gần gũi với đời sống. Cũng không thể không nhắc tới việc Về nhà đi con là bộ phim được “đặt hàng” lấy cảm hứng từ bộ phim Người đàn ông góa vợ bật khóc (đạo diễn Vũ Trường Khoa) đã được khán giả đón nhận từ 6 năm trước đó.

Hình ảnh trong phim Trở về giữa yêu thương

Năm ngoái, bộ phim Trở về giữa yêu thương, kể về ông Phương, một người đàn ông là cựu giám đốc một nhà xuất bản, sau khi về hưu bắt đầu “học” lại cách yêu thương các con của mình. Bộ phim chiếm được nhiều tình cảm của khán giả không chỉ bởi nhân vật Phương được thể hiện qua diễn xuất xuất sắc của cố NSND Hoàng Dũng và sau đó là NSND Trung Anh (người đã nối tiếp vai ông Sơn ở phần 2 của phim khi NSND Hoàng Dũng qua đời), mà còn bởi những câu chuyện dung dị về người cha trong gia đình. Đạo diễn của bộ phim Trịnh Lê Phong cho rằng: “Ông bố trong phim gần gũi với đời sống bởi ông không chỉ có những đức tính tốt mà có cả những cái xấu, ích kỷ riêng để rồi sau đó nhận ra và thay đổi”. NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ có nhiều đồng cảm với ông Phương: “Đó là đồng cảm của lứa tuổi, của thế hệ”.

Đã có nhiều phim truyền hình mà nhân vật chính là nam, nhưng chưa có nhiều bộ phim tập trung khai thác chính về đời sống, tâm lý, tình cảm của người đàn ông. Biên tập Lại Phương Thảo cho rằng: “Thực ra, người phụ nữ vốn là đề tài nhiều thú vị để các nhà làm phim truyền tải lên phim, và đàn ông cũng thế. Con người, dù ở giới nào, cũng có những câu chuyện rất riêng, những bí mật đôi khi không thể chia sẻ hết bằng lời”. Chị nhìn nhận: “Dù ở hai giới khác nhau, nhưng phụ nữ hay đàn ông cũng có những tâm lý giống nhau, như nếu những người phụ nữ yếu mềm, dễ bị tổn thương, thì đàn ông cũng thế; nếu những người phụ nữ phải chịu những áp lực, định kiến trong xã hội, thì ở góc nào đó, đàn ông cũng vậy. Chúng ta cần có cái nhìn bao dung, thấu hiểu cho nhau”.

Lý giải về việc nhiều bộ phim mà đàn ông là “nhân vật chính” thu hút đông đảo khán giả, biên tập Lại Phương Thảo cho rằng: “Sở dĩ như vậy là vì có nhiều khán giả là nữ giới có quan tâm lớn đến cánh mày râu. Những bộ phim đã truyền tải được phần nào hiện thực cuộc sống, để mỗi khán giả đều thấy phần nào câu chuyện nhà mình, những người đàn ông xung quanh mình trong đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.