"Khi điệu then cất lên cả làng rưng rức"

26/10/2012 17:45 GMT+7

(TNO) TS Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lạng Sơn nói ngắn về then trong đời sống các dân tộc tỉnh ông: “Tôi từng chứng kiến khi điệu then cất lên cả làng khóc rưng rức”.

>> Tôn vinh hát then

hát then
Đàn tính luôn có mặt trong đời sống văn hóa của người dân Mộc Châu, Sơn La - Ảnh: K.Trinh

Then không chỉ là làn điệu, là nhịp múa. Then - hơn thế, theo một số nhà nghiên cứu, còn là cả sử thi. Nó bao hàm quan điểm về xã hội, về thế giới của con người. Và then, với sức nặng của nghệ thuật dân tộc, với sức mạnh của tín ngưỡng đã len lỏi khắp đời sống của không chỉ đồng bào Tày, Nùng. Họ ăn mừng mùa lúa mới với then, làm lễ cầu an và đón chào những em bé chào đời cũng trong điệu then. Chính nhờ sức mạnh tinh thần này mà then lan trong cộng đồng.

Sức mạnh then lớn như vậy nhưng cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác, các nghệ nhân then hiện chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp.

 
Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 4 tổ chức tại Lạng Sơn từ ngày 4 - 6.11. Liên hoan gồm chương trình biểu diễn hát then của 9 tỉnh; triển lãm “Di sản văn hóa then” trưng bày hiện vật, sản phẩm, hình ảnh, nhạc cụ liên quan; và hội thảo “Bảo tồn, phát huy hát then trong giai đoạn hiện nay”.

“Chính sách nghệ nhân là vấn đề lớn. Qua liên hoan, ban tổ chức cũng chỉ mang tính động viên các nghệ nhân, ghi nhận, đóng góp, tham gia. Bộ sẽ có phần thưởng cho nghệ nhân, chương trình. Còn việc có chính sách cụ thể như lương cán bộ công chức thì chưa có chính sách”, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT-DL nói.

Không chỉ chuyện chính sách nghệ nhân, việc bảo tồn then cũng còn mắc từ nghiên cứu. Chẳng hạn, hồ sơ tới đây trình UNESCO sẽ là hát then, đàn tính hay không gian văn hóa then, bởi những làn điệu then chỉ là một phần nhỏ của văn hóa then mà thôi. “Ngay cả cách gọi hát then cũng chưa khoa học mà mang tính nôm na, bình dân nhiều hơn”, một nhà nghiên cứu âm nhạc cho biết.

Tuy còn bộn bề, nhưng có một điểm vui là về chủ trương với những điệu then, nhà quản lý vẫn coi trọng bảo tồn hơn là chạy đua danh hiệu.

TS Hoàng Xuân Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết: “Chúng ta tổ chức các liên hoan hát then toàn quốc, năm nay lần thứ tư rồi, mục đích cao nhất của nó không phải là để mong cho UNESCO công nhận nó là di sản. Mà mục đích cao nhất là tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc chúng ta, thể hiện quan điểm của Đảng. Cũng giống như việc chúng ta cố gắng gia đình sống hòa thuận không phải để được nhận gia đình văn hóa”.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.