Khi doanh nhân cởi áo vest, xuống đường làm thiện nguyện

Đình Sơn
Đình Sơn
13/10/2021 07:14 GMT+7

Khi dịch bệnh ập đến, họ xuống đường bốc rau, vào bếp nấu cơm, chạy xe chở bình ô xy đến cho những bệnh nhân F0 đang đối mặt với tử thần.

Không còn những bộ vest bảnh bao, đôi giày tây bóng loáng, một bước lên xe, người đưa kẻ đón..., nhưng hình ảnh của các doanh nhân chưa bao giờ đẹp đến thế.

Anh Ali Hưng cùng các thành viên Đội hỗ trợ F0 – ĐHT Sài Gòn đem ô xy đến nhà hỗ trợ bệnh nhân F0

Biến nhà hàng thành bếp ăn dã chiến

Hơn 2 tháng khi TP.HCM áp dụng giãn cách tăng cường, anh Lê Phú Cường, Giám đốc Công ty xây dựng Lê Nguyễn - thành viên của nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân, đã khởi xướng Bếp yêu thương 0 đồng cùng hàng chục hộ dân tổ 23 ấp 3, xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn, TP.HCM).

Hơn 3 tháng ròng rã chống dịch cùng TP, chúng tôi thấu hiểu nỗi đau mất mát, cảm thấy sự sống thật quý giá và thật may mắn khi còn khỏe mạnh, được sống một cuộc đời thật ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị tích cực, đóng góp một phần công sức bé nhỏ cho cộng đồng.

Anh Ali Hưng

Suốt thời gian đó, cứ đều đặn từ 7 - 17 giờ hằng ngày, anh có mặt tại nhà hàng Ẩm thực sân vườn 39 (119 Phan Văn Hớn, H.Hóc Môn) để quần quật với tiếng dao thớt, nồi niêu, xoong chảo kêu lách cách. Nhà hàng này của anh Cường đã đỏ lửa trở lại, song không phải nấu ăn phục vụ khách hàng mà nấu cơm miễn phí cho các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ công an, các bệnh nhân F0 đang gồng mình chống dịch.

Ý tưởng mở bếp ăn 0 đồng đến trong những lần đi cứu trợ rau xanh cho người dân. Những lúc đó, anh thấy cảnh đội ngũ y bác sĩ phải ăn mì gói hay những phần cơm nguội lạnh; cảnh người dân thiếu ăn ở nhiều khu cách ly F0... trong khi mình có sẵn nhà hàng đang đóng cửa. Anh Cường tự hỏi tại sao không kêu gọi mọi người chia sẻ khó khăn với cộng đồng?

Nghĩ là bắt tay vào làm. Từ nguồn rau xanh có sẵn của nhóm, anh Cường và các thành viên bắt đầu đi xin gạo, xin dầu ăn, nước mắm, cá, thịt, trái cây để “nhóm bếp”. Những buổi đầu tiên, bếp chỉ có vài người lo từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến việc nấu, đóng hộp và chuyển đến các chốt, bệnh viện phòng chống dịch. Sau vài ngày, các hộ dân xung quanh cũng tham gia phụ giúp và đóng góp. Người có phương tiện vận chuyển, người có đồ bảo hộ, người mang nồi, niêu, bát đĩa... tất cả đều muốn góp một chút sức lực cùng cộng đồng lan tỏa những việc tích cực đẩy lùi dịch bệnh.

“Tính đến ngày 21.9, sau 50 ngày đỏ lửa liên tục bếp ăn 0 đồng của nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân đã nấu được gần 30.000 phần cơm. Bếp đỏ lửa ngày hai lần, phục vụ cả bữa trưa và tối cho các cán bộ trực chốt, các y bác sĩ và bệnh nhân F0. Công việc của mọi người bắt đầu từ mờ sáng cho đến tối muộn mới hoàn tất việc dọn dẹp, rửa sạch nồi niêu để sáng hôm sau lại tiếp tục”, anh Cường chia sẻ.

Cũng ngưng hoạt động theo quy định của TP, nhưng nhà bếp của chuỗi cà phê Mylife, Kohi Coffee, YEN Sushi Sake Pub, YEN Market, Shamoji Robata của Công ty Mylife cũng đỏ lửa tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch. Cũng đến từ việc chứng kiến cảnh các nhân viên y tế, công an, bộ đội ngày đêm bất kể nắng mưa trong bộ đồ bảo hộ nóng như lửa để cứu chữa cho người bệnh, nhưng phải ăn những hộp cơm nguội lạnh, ăn không đúng bữa, nên chị Yên Mai Linh, Tổng giám đốc Công ty Mylife, không thể đứng ngoài cuộc. Quỹ “Bếp nhà YEN” ra đời từ đó.

“Tôi nghĩ chúng tôi có hệ thống bếp của các nhà hàng, quán cà phê và có các đầu bếp giỏi, nấu ăn ngon, vậy thì sao không cùng với anh em nấu cơm cho các y bác sĩ, các chiến sĩ công an, các anh bộ đội những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất, nóng hổi. Thế là tôi kêu gọi anh em chung tay. Điều đáng cảm động là ai cũng ủng hộ, cũng hồ hởi tham gia dù giai đoạn đó, dịch bệnh ở TP.HCM rất căng thẳng”, chị Yên Mai Linh kể.

Rồi đều đặn mỗi ngày, hàng trăm phần cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng được Bếp nhà Yen chuẩn bị, đóng gói kỹ càng gửi đến các y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Hiện mỗi ngày, Bếp nhà Yen nấu từ 200 - 500 suất ăn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện thu dung số 6, Bệnh viện Bình Thạnh, Bệnh viện An Bình, Công an TP.HCM…

Anh Cường xuống bếp nấu cơm cùng người dân tặng tuyến đầu chống dịch

ĐÌNH SƠN

“Những chiến binh bóng đêm”

Bất kể ngày đêm, khi bệnh nhân Covid-19 cầu cứu, anh Ali Hưng, đồng sáng lập Thịnh Hưng Group cùng các thành viên trong Đội hỗ trợ F0 - ĐHT Sài Gòn lại vội vã lên xe “đạp hết ga hết số” chở bình ô xy, máy đo nồng độ ô xy trong máu (SpO2), vật tư y tế… đến tận nhà cho bệnh nhân.

Khi làm quỹ cộng đồng Bếp nhà Yen, thấy mọi người nhiệt tình chung tay san sẻ như vậy, tôi thật sự rất xúc động và trân quý. Đó mới chính là tình cảm giữa người với người. Thế mới thấy, đến cuối cùng, điều còn đọng lại cũng chỉ là cái tình mà thôi. Ngoài việc nấu cơm, quỹ cũng đã thực hiện nhiều chương trình như: tặng xe cứu thương, ghế bố, máy đo nồng độ ô xy trong máu cho một số bệnh viện; tặng rau cho các bếp ăn từ thiện; tặng suất ăn dinh dưỡng cho một số bệnh viện thu dung… Chúng tôi mong dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để TP.HCM có thể bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Chị Yên Mai Linh

Trên trang Facebook cá nhân của mình, những dòng trạng thái liên tục xuất hiện về các hành trình hỗ trợ người bệnh. Một trong số đó: “Đêm qua, 1 ổ dịch với hàng chục ca đang trở nặng cần được ứng cứu khẩn cấp, nơi có nhiều em nhỏ, cụ già neo đơn và người vô gia cư... Toàn đội đã bàn rất kỹ lưỡng, lên phương án tác chiến như đánh trận, lập riêng một đội 5 bác sĩ chuyên trách dành riêng cho ổ dịch, theo dõi 24/24. Hàng chục chuyến xe chở ô xy, đồ bảo hộ, vật tư y tế đã được đưa đến ổ dịch ngay trong đêm. Với nỗ lực của toàn đội, mọi thứ đã dần kiểm soát và đến hôm sau, các ca đã cơ bản ổn định, ca nặng nhất với chỉ số SpO2 chỉ 66% đã hồi sinh trở lại một cách thần kỳ khi SpO2 lên gần 90%”.

Những tiếng kêu cứu trong đêm lại càng yếu ớt, vô vọng hơn khi những cơn mưa giông cứ liên tiếp ập đến với TP.HCM, lại kéo những thành viên trong Đội hỗ trợ F0 - ĐHT Sài Gòn lên đường mang theo ô xy, máy SpO2, vật tư y tế... hỗ trợ bệnh nhân F0... Khi mọi việc đã tạm ổn, đội lặng lẽ rời đi. Cứ như thế, mấy tháng qua, Ali Hưng và các thành viên trong Đội hỗ trợ F0 - ĐHT Sài Gòn bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa, xa hay gần, hễ có người cầu cứu, cần giúp đỡ là các anh có mặt.

“Càng khó khăn, chúng tôi càng quyết tâm vì chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi là có thể cứu được cả mạng người. Tôi chưa từ chối một ca nào khi được liên hệ hỗ trợ và hầu hết họ đã và đang an toàn. Rất nhiều lời cảm ơn của những người đã được hỗ trợ gửi đến, nhưng thật lòng thì chúng tôi phải cảm ơn họ vì đã mạnh mẽ vượt qua phút sinh tử để tiếp thêm sức mạnh cho những “chiến binh bóng đêm” tiếp tục chiến đấu đến ngày bình yên trở lại với TP”, anh Hưng chia sẻ.

Hỏi anh Hưng, điều gì khiến anh và các cộng sự phải lao vào khó khăn, thậm chí là rủi ro như vậy? Anh bảo, bản thân anh và Ban lãnh đạo Công ty Thịnh Hưng xác định rất rõ “cộng đồng khỏe, chúng ta mới khỏe”, nên đồng lòng và quyết chí chung tay cùng TP chống dịch. Ban lãnh đạo công ty đã biến tất cả văn phòng đại diện, nhà kho thành điểm tập kết ô xy, đồ bảo hộ, trang thiết bị, vật tư y tế... Hàng trăm máy tạo ô xy cũng được gấp rút đặt hàng để kịp thời đưa đến các bệnh viện.

“Trong khi các bệnh viện quá tải, làm thế nào để hỗ trợ các bệnh nhân F0 trở nặng cầm cự trong lúc chờ y tế can thiệp? Đó chính là đưa ô xy đến tận nhà người dân dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Cơ duyên cho tôi gặp anh Huỳnh Bảo Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Zentado, người tiên phong trong rất nhiều hoạt động vì cộng đồng và bác sĩ Nguyễn Anh Quốc, người đang trực chiến tại Bệnh viện dã chiến số 2, cũng là người rất kinh nghiệm và tâm huyết điều trị bệnh nhân Covid-19. Thế là gần như ngay lập tức, chúng tôi lên kế hoạch và thành lập đội hỗ trợ F0 tại nhà với sự tham gia của gần 100 anh chị em thiện nguyện bao gồm các bác sĩ, lãnh đạo các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm”, anh Hưng kể và nhớ lại không ít lần họ đã rơi nước mắt khi chứng kiến các bệnh nhân F0 giành giật sự sống qua từng hơi thở. Có những ngày Sài Gòn mưa như trút nước trong đêm, anh em lại động viên nhau, không để ca F0 nào cần mà không được hỗ trợ.

Chị Yên Mai Linh cùng nhân viên vào bếp nấu ăn

Bao năm Sài Gòn nuôi nấng mình

Gần 10 năm hoạt động thiện nguyện, làm biết bao chương trình, đi không biết bao nhiêu nơi, gặp biết bao hoàn cảnh nhưng với chúng tôi, thời khắc hiện tại sẽ không thể nào quên trong cuộc đời.

Sài Gòn “đổ bệnh”, khắp nơi đồng loạt gửi về bao nghĩa tình, chúng tôi cũng không thể ngồi yên. Chắc chắn rồi. Chúng tôi có sợ lây nhiễm dịch bệnh không? Có chứ. Trong nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân, ai cũng có một gia đình ở phía sau. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ bản thân mình và bảo vệ họ. Quan trọng hơn, sự an toàn của mỗi cá nhân, cũng là góp sức cho công cuộc chung.

Thế nhưng, nói như Phạm Thế Hà (biên tập viên Đài truyền hình quốc gia - VTV), thành viên nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân, bao nhiêu năm nay Sài Gòn nuôi nấng mình, che chở mình, cho mình công ăn việc làm, sự nghiệp, mọi thứ... Giờ Sài Gòn đau ốm bệnh tật thì mình phải có trách nhiệm với nơi này. Chúng tôi nghĩ rằng lúc này, không có gì thiết thực bằng việc giúp mọi người trong khu cách ly có thêm lương thực để “thoát đói”.

Vậy là chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” ra đời từ đó. Đến cuối tháng 9, chương trình của nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân đã cung cấp hơn 300 tấn rau, củ, quả 0 đồng đến các bếp ăn từ thiện, khu cách ly, những người lao động trong các khu trọ nghèo tại TP.HCM.

Sau quãng thời gian tìm nguồn, liên kết chở rau củ từ Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông về cứu trợ bà con Sài Gòn, chúng tôi lại tiếp tục mở rộng được nguồn thực phẩm, tiến hành xây dựng “Bếp ăn yêu thương” 0 đồng tại Q.12 cung cấp suất ăn phục vụ lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu đang chống dịch. Cũng nhờ nhiều năm làm nghề, tôi liên lạc tìm được nguồn rau từ Gia Lai chuyển về TP.HCM. Vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ được rau củ đang tắc nghẽn do các tỉnh đồng loạt áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vừa giúp người dân TP có thêm nguồn thực phẩm để yên tâm “ở đâu ở đó”.

Thời điểm đó, các địa phương đều siết chặt vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nên chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi mới tìm được một đơn vị vận tải nhận chở rau. Khó khăn, vất vả nhưng không ai nản lòng, nhụt chí. Từ 5 giờ sáng, các anh chị cộng tác viên từ Gia Lai đã phải thức dậy đóng gói, xếp rau để kịp xe tới lấy hàng, đưa về Sài Gòn sớm nhất để rau không hư, không bị dập nát. Chuyến xe đầu tiên chở 35 tấn rau từ Gia Lai chính thức lăn bánh chiều 11.7 và đều đặn từ đó, những chuyến xe vẫn chưa dừng lại. Có lần thiếu nhân lực bốc vác, chúng tôi lên Facebook cầu cứu. Các anh em báo chí không ai gọi ai, khắp nơi kéo đến. Nhiều người là tổng giám đốc, giám đốc của các công ty lớn, nhưng khi đọc thấy lời cầu cứu của chúng tôi lúc nửa đêm, thì vẫn tìm tới để giúp bốc rau. Đó là những tháng ngày vất vả nhưng ý nghĩa và không thể nào quên.

Nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân khởi nguồn tự phát từ nhóm phóng viên và doanh nhân quen biết nhau, cùng đam mê công tác thiện nguyện. Trong quá trình tác nghiệp, đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, vất vả... nên mục đích đầu tiên của nhóm kết nối chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức để hỗ trợ đúng đối tượng nhất, hiệu quả nhất. Cứ thế, chúng tôi tự hoàn thiện để công việc thiện nguyện ngày càng hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn.

Trong suốt gần 1 thập kỷ kể từ khi thành lập, chúng tôi đã thành lập “ngân hàng” bò, hỗ trợ bà con miền Trung khi bão lụt, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước... Năm nào nhóm cũng làm rất nhiều chương trình, tổ chức nhiều chuyến đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành. Lần này, khi dịch bùng phát tại Sài Gòn, những anh em báo chí và doanh nhân chúng tôi như một lẽ tự nhiên sâu trong trái tim mình, không thể ngồi yên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.